Dòng thứ nhất gọi là dòng Ni Ruôn, thuộc giống Mông Cổ thuần túy, tự
hào là con cháu của thần Ánh Sáng.
Dòng thứ hai thuộc giống Durlukin, lai nhiều giống khác. Dòng Niruon
gồm có 12 bộ tộc: Taidjigot, Tayitchiout, Taijiout (3 bộ tộc này sống biệt
lập ở phía Đông hồ Baikal), Ourou’oud, Mangquoud, Djadjirat, Baroulas,
Ba’arin, Dorben (bây giờ gọi là Dorbot), Saldjiout, Quadagin, Katakin.
Dòng Dulurkin gồm có 8 bộ tộc: Aroulat, Baya’out, Koroj, Seldu, Ikiras,
Kongirat, Ongirat, Koukourat; những bộ tộc này du mục ở phía Đông Nam,
dưới chân núi Nam Khingan cạnh xứ Thát Đát. Còn một bộ lạc nữa tên là
Djéliar cũng liệt vào giống Mông Cổ, ở vùng hợp lưu sông Khilok và sông
Sélenga hoặc sông Onon, mà có sử gia cho là một bộ lạc Thổ qui phục
Mông Cổ rồi bị đồng hóa vào thời đại Anh hùng Cai Đô.
Nhưng căn cứ vào cách sinh sống, người ta phân biệt hai thứ bộ lạc: bộ lạc
chăn nuôi ở miền đồng cỏ và bộ lạc săn bắn ở miền rừng núi.
Vùng biên cảnh Mông Cổ - Tây Bá Lợi Á, nơi người Mông Cổ phát xuất,
có hai miền khác biệt rõ rệt: miền rừng ở phía Bắc và miền đồng cỏ hoang
vu ở phía Nam. Có nhà sử học cho rằng: “khởi đầu, Mông Cổ là dân rừng
núi chớ không phải là dân đồng cỏ, căn cứ vào chỗ họ sớm biết dùng loại
xe bốn bánh bằng cây (chariot) và chỉ dùng thùng cây chớ không dùng túi
da như người Kagâz ở đồng cỏ”.
Những bộ lạc giàu thường được tổ chức chặt chẽ, xã hội chia làm bốn giai
cấp:
1. Hạng quý tộc nắm quyền thống trị, gồm có hạng Dũng Sĩ (Bagha tour),
Tộc trưởng (Noyan), Hiền nhân (Setchen) và, sau này chịu ảnh hưởng của
Trung Quốc, thêm hạng Thân vương. Vai trò của tộc trưởng và dũng sĩ là
tìm đồng cỏ chăn nuôi, sai khiến nô lệ, chăn nuôi súc vật cùng là điều khiển
việc dựng lều trại. Giai cấp này chỉ huy tất cả những giai cấp sau:
2. Hạng chiến sĩ (Nokud)
3. Hạng thường dân (Arad)