Nguyễn Trọng Khanh
Thành Cát Tư Hãn
Chương IX
BÌNH NÃI MAN
Lãnh thổ Nãi Man là một vùng núi non giăng dài theo rặng Altai, ở khoảng
giữa thượng lưu sông Irtych và sông Sélenga (vùng Kobdo ngày nay). Dân
Nãi Man chịu ảnh hưởng của văn hóa Thổ Phồn và Tây Liêu, trình độ văn
minh cao hơn người Mông Cổ. Khoảng đầu thế kỉ XIII, đa số dân chúng
đều theo Cảnh giáo, nhưng ảnh hưởng của hạng Pháp Sư vẫn còn mạnh mẽ,
nhiều người tin rằng khi có chiến tranh các pháp sư có thể hô phong hoán
vũ.
Lúc đó do hai quốc vương anh em trị vì: phần phía Tây gồm dãy Đại Altai
và những chi nhánh, thuộc Khả Hãn Bui-Rúc, phần phía đông thuộc Bai-
Bu-Ka. Trước kia, I-Năng-Sơ thân phụ của họ làm đại hãn cai trị toàn cõi,
là người có công chinh phục dựng thành một đế quốc hùng mạnh nhất trong
miền du mục. Sau khi đại hãn chết, đế quốc mới phân đôi và bắt đầu suy
yếu, thường bị dân Khắc Liệt quấy nhiễu.
Giết Tô-Ha-Rin rồi hai thân vương cắt đầu mang đến dâng cho Bai-Bu-Ca
để được khen thưởng, nào ngờ họ lại bị khiển trách nặng nề vì hành động
ấy thật thất chính trị, lẽ ra phải giải Tô-Ha-Rin đến khả hãn. Ông ta còn
sống mới có lợi, Bai-Bu-Ka sẽ dung dưỡng để dân Khắc Liệt nuôi hy vọng
quật khởi chống Thiết Mộc Chân, vì theo lời Trác Mộc Hợp khả hãn Mông
Cổ là mối hiểm họa lớn lao cho toàn thể dân du mục.
Bây giờ đã lỡ giết Tô-Ha-Rin thì phải mưu tính cách khác. Bai-Bu-Ka cho
giát bạc cái sọ của Tô-Ha-Rin rồi đặt lên một chỗ cao trước ngai đại hãn,
mặt sọ quay về hướng Đông để nhắc nhở ông ta đừng quên cái hiểm họa đã
gần kề xứ Nãi Man. Đồng thời cho sứ giả mang một bức thơ qua xứ Ong-
gut dâng cho khả hãn Tê-Kinh. Dân Ong-gút ở về phía Đông Nam sa mạc