THÀNH-CÁT-TƯ HÃN VÀ ĐẾ QUỐC MÔNG CỔ - Trang 21

giỏi về kỵ chiến và người phương nam giỏi về thuỷ chiến. Những lần Hốt
Tất Liệt đánh sang các nước chung quanh đều bị thất bại, và đều thất bại vì
thuỷ chiến. Chúng tôi điểm qua về những cuộc viễn chinh này.
Đánh Nhật Bản lần thứ nhất: năm 1274, Hốt Tất Liệt dùng thuyền mang
quân từ Triều Tiên sang đánh Nhật Bản. Đoàn chiến thuyền gặp bão lớn,
đắm rất nhiều. Dân Nhật tin là được trời giúp, gọi trận bão ấy là Kamikazé
(Thần Phong, Gió Thần). Các nhà khảo cổ học Nhật Bản đã lặn xuống đáy
biển nơi đoàn chiến thuyền Mông Cổ bị đắm cách nay hơn bảy thế kỷ, vớt
lên những tàn tích để nghiên cứu. Họ có hai nhận xét chính. Thứ nhất là
thuyền đóng bằng những loại gỗ mà nước Nhật không có, như thế có nghĩa
là những chiến thuyền Mông Cổ được đóng ở những nơi khác, nhiều khả
năng là đóng ở Triều Tiên. Thứ hai là lỗ cắm cột buồm không được khít,
không ôm chắc lấy cột buồm nên khi thuyền gặp sóng to gió lớn là cột
buồm lung lay dễ gẫy và thuyền cũng bị đảo mạnh dễ đắm. Nhận xét này
cho phép chúng ta nghĩ gì? Người Triều Tiên nổi tiếng là những nhà đóng
thuyền giỏi vào bậc nhất Đông Á. Từ thời cổ, họ đã có khả năng đóng
những chiến thuyền vừa to vừa dài, phía trên là mặt bằng dùng làm nơi
chiến đấu, phía dưới là nơi những tay chèo đẩy mái chèo để thuyền di
chuyển, giống như những chiếc galère xưa ở biển Địa Trung Hải. Nhưng
những nhà đóng thuyền Triều Tiên không đóng thuyền cho thuỷ quân của
tổ quốc họ mà cho thuỷ quân của Mông Cổ là bọn thống trị họ. Làm sao mà
họ có thể đem hết tài năng ra chế tạo cho được những chiến thuyền thật tốt
để vượt biển?
Đánh Nhật Bản lần thứ hai: năm 1281, Hốt Tất Liệt lại tấn công Nhật Bản
bằng hai đạo, một đạo từ Triều Tiên, một đạo từ Hàng Châu, cùng trực chỉ
đảo Cửu Châu. Lần này thuỷ quân Mông Cổ không gặp bão, nhưng gặp
quân Nhật đã phòng thủ sẵn. Quân Mông Cổ vừa đặt chân lên bãi biển,
chưa kịp hết say sóng, đã gặp quân Nhật ào ra tấn công điên cuồng. Với lối
đánh cận chiến, cung tên của Mông Cổ trở thành vô dụng, giáo và kích dài
trở thành vướng víu khó xoay trở, trong lúc quân Nhật dùng kiếm chém
giết rất tiện lợi trong cuộc giáp lá cà. Quân Mông Cổ thua ngay trên bãi
biển, tàn quân vội vàng rút xuống thuyền bỏ chạy.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.