ngựa giống tốt nhất của mình và buộc vào cán một cây giáo, ngay
dưới phần lưỡi giáo. Mỗi khi dựng trại, chiến binh sẽ cắm dải cờ này
ngoài cửa lều để tuyên bố danh tính và làm vật bảo hộ vĩnh viễn. Dải
cờ thiêng luôn được cắm ngoài trời, dưới Thanh thiên Vĩnh hằng mà
người Mông Cổ tôn thờ. Khi những sợi lông bay trong ngọn gió thảo
nguyên không ngừng nghỉ, chúng thu năng lượng của gió, của bầu
trời, của mặt trời, và dải cờ truyền năng lượng này từ thiên nhiên tới
người chiến binh. Ngọn gió lùa qua sợi lông ngựa thôi thúc những
ước mơ của người chiến binh và cổ vũ anh ta theo đuổi định mệnh
của mình. Sợi lông ngựa phất phơ trong gió ra hiệu cho anh ta luôn
luôn tiến lên phía trước, đẩy anh ta khỏi chốn cũ để tìm đến những
nơi mới, đến những đồng cỏ tốt hơn, tìm kiếm những cơ hội và thử
thách mới, để tự tay kiến tạo nên số phận cho đời mình trong thế
giới này. Mối liên kết giữa một người với Dải cờ thiêng của anh ta
chặt chẽ đến mức người ta nói rằng khi người ấy chết đi, linh hồn
chiến binh vĩnh viễn nằm lại trong búi lông ngựa đó. Khi người chiến
binh còn sống, dải cờ lông ngựa mang theo số phận của anh ta; sau
khi chết, nó hóa thân thành linh hồn của anh ta. Thể xác nhanh
chóng bị bỏ lại với tự nhiên, nhưng linh hồn còn sống mãi trong búi
lông ngựa để tiếp tục truyền cảm hứng cho những thế hệ tương lai.
Thành Cát Tư Hãn có một dải cờ từ lông ngựa trắng để dùng
trong thời bình, và một từ lông ngựa đen để dẫn lối trong chiến trận.
Dải cờ trắng đã sớm biến mất khỏi lịch sử, song dải cờ đen vẫn tồn
tại để lưu giữ linh hồn ông. Nhiều thế kỷ sau khi ông mất, người dân
Mông Cổ vẫn thờ phụng dải cờ nơi linh hồn ông yên nghỉ. Vào thế