bốn cậu con trai và một số lượng con gái còn chưa xác định, nhưng
giờ ông lấy Dã Tốc Cai và chị gái là bà Yesui, thuộc dòng dõi quý tộc
Tatar, làm vợ lẽ. Người Tatar có danh tiếng hơn người Mông Cổ
nhiều lần, và sau trận chiến này, người Mông Cổ tiếp nhận rất nhiều
người Tatar, nhiều người trong đó sau này đã có chức vị và tầm ảnh
hưởng lớn trong Đế chế Mông Cổ. Bởi vậy cái tên Tatar trở nên
đồng nghĩa, và có khi được biết tới rộng hơn, với tên gọi Mongol
(Mông Cổ). Điều này đã gây ra không ít nhầm lẫn trong suốt nhiều
thế kỷ.
Tuy nhiên, việc kết hôn ngoại tộc và nhận nuôi không đủ để giúp
Thiết Mộc Chân đạt được mục tiêu sáp nhập hai nhóm lớn thành
một tộc người. Nếu các nhóm họ hàng được phép giữ nguyên vẹn,
thì cả bộ tộc lớn rồi sẽ tan rã. Bởi vậy, năm 1203, một năm sau khi
chinh phục người Tatar, Thiết Mộc Chân đặt ra một cải cách khác,
thậm chí còn cấp tiến hơn, với quân đội và bộ lạc Mông Cổ.
Ông tổ chức quân lính thành các đội mười người gọi là arban, và
họ sẽ là anh em của nhau. Dù nguồn gốc bộ lạc hay huyết thống của
họ là gì, họ được ra lệnh phải sống và đánh nhau với lòng trung
thành như của anh em ruột thịt; để khẳng định hoàn toàn quan hệ
huyết thống này, không ai trong số họ được phép bỏ rơi những
người khác nếu họ bị bắt trong chiến đấu. Như mọi anh em khác,
người lớn tuổi nhất có quyền lãnh đạo chủ chốt, nhưng họ cũng có
thể chọn ra người khác giữ vị trí này.