Khi kỵ binh của Thành Cát Tư Hãn tràn qua thế kỷ mười ba, ông
đã vẽ lại ranh giới của thế giới. Công trình của ông không phải bằng
đá, mà là bằng các quốc gia. Không bằng lòng với một số lượng lớn
các tiểu vương quốc, ông hợp nhất nhiều nước nhỏ thành các nước
lớn hơn. Ở Đông Âu, quân Mông Cổ thống nhất một tá các tiểu
vương quốc Slav và thành phố thành một nước Nga rộng lớn. Ở
Đông Á, qua ba thế hệ, họ tạo ra Trung Hoa bằng cách đan lại với
nhau những tàn tích của nhà Tống ở phía nam với vùng đất của
người Nữ Chân
ở Mãn Châu, Tây Tạng ở phía tây, Tây Hạ
giáp sa mạc Gobi, và đất của người Duy Ngô Nhĩ
ở phía đông
. Khi người Mông Cổ mở rộng khu vực cai trị, họ tạo ra
những quốc gia như Triều Tiên và Ấn Độ. Những nước này vẫn tồn
tại tới ngày nay, với đường biên giới gần như không thay đổi từ khi
được người Mông Cổ tạo ra.
Đế chế của Thành Cát Tư Hãn liên kết và hợp nhất các nền văn
minh quanh ông thành một trật tự thế giới mới. Khi ông chào đời
năm 1162, Cựu Thế giới là một chuỗi các nền văn minh địa phương
hoàn toàn không biết gì về các nền văn minh khác ngoài những
nước láng giềng gần gũi nhất. Không ai ở Trung Hoa biết tới châu
Âu, cũng như không ai ở châu Âu từng nghe tới Trung Hoa, và theo
như hiểu biết thời bấy giờ, chưa có ai từng đi lại giữa hai nơi đó cả.
Tới khi qua đời năm 1227, ông đã kết nối hai nơi này bằng những
mối liên lạc ngoại giao và thương mại bền vững tới bây giờ.