hại cho toàn bộ cấu trúc xã hội, và gây ra sự thù địch và bạo lực sâu
sắc giữa các bộ lạc trên thảo nguyên.
Thành Cát Tư Hãn nỗ lực triệt tiêu mọi mầm mống mâu thuẫn
nội bộ giữa các tầng lớp người của ông. Dựa trên kinh nghiệm cá
nhân về các mâu thuẫn xoay quanh vấn đề con ngoài giá thú, ông
tuyên bố mọi trẻ em đều hợp pháp, dù là con của vợ hay vợ lẽ. Vì
trả giá lấy vợ như mua lạc đà sẽ gây ra mâu thuẫn lâu dài giữa đàn
ông, ông cấm việc bán phụ nữ làm vợ. Cũng vì lý do đó, ngoại tình
cũng bị cấm, dù người Mông Cổ định nghĩa việc này khác với hầu
hết những người khác. Nó không bao gồm quan hệ tình dục giữa
một người phụ nữ và họ hàng của chồng, hay giữa một người đàn
ông và người hầu nữ hay với vợ của những người đàn ông khác
trong gia đình. Tuân thủ theo châm ngôn của Thành Cát Tư Hãn
rằng việc của mỗi ger do các ger tự giải quyết, và việc của thảo
nguyên sẽ được giải quyết trên thảo nguyên, việc ngoại tình áp dụng
cho quan hệ của những người đã kết hôn thuộc các hộ gia đình
khác nhau. Nó không được tính là phạm pháp nếu không gây ra
giao tranh công khai giữa các gia đình.
Trộm cắp gia súc đã từ lâu bị coi là sai trái, nhưng vẫn thường
thấy trong văn hóa cướp bóc trên thảo nguyên, và cũng là nguyên
nhân gây bất hòa và mâu thuẫn lâu dài. Có lẽ vì nhớ đến tổn hại gia
đình ông phải chịu khi tám con ngựa thiến bị mất trộm, Thành Cát
Tư Hãn tuyên bố trộm cắp gia súc là tội chịu án tử hình. Không chỉ