với các bộ luật khác trong lịch sử. Nó không dựa trên mặc khải của
đấng tối cao, hay từ bộ luật cổ của một nền văn minh định canh định
cư nào đó. Ông tập hợp nó từ các tập quán và truyền thống của các
bộ lạc chăn gia súc từ nhiều thế kỷ nay, nhưng lại sẵn sàng bãi bỏ
những hủ tục ngăn cản xã hội mới của ông vận động. Ông cho phép
các nhóm theo luật truyền thống trong vùng của họ, chừng nào nó
không mâu thuẫn với Pháp điển – bộ luật tối cao hay luật chung cho
tất cả mọi người.
Tuy nhiên, Pháp điển không hẳn là một hệ thống pháp luật đơn
nhất, mà là một bộ hành pháp mà ông tiếp tục phát triển trong suốt
hai thập niên còn lại của cuộc đời mình. Bộ luật của Thành Cát Tư
Hãn không đề cập tới mọi khía cạnh của đời sống thường ngày; ông
dùng nó để chỉnh đốn các khía cạnh rắc rối nhất. Chừng nào đàn
ông còn bắt cóc phụ nữ thì chiến tranh thảo nguyên sẽ còn tiếp diễn.
Đạo luật mới đầu tiên của Thành Cát Tư Hãn được cho là cấm bắt
cóc phụ nữ – chắc hẳn là để đáp trả việc Bột Nhi Thiếp bị bắt cóc.
Nguy cơ giao tranh xảy ra từ các vụ bắt cóc này luôn tiềm tàng trong
gia đình Thành Cát Tư Hãn vì ông không biết đứa con trai cả là con
ông hay của kẻ bắt cóc Bột Nhi Thiếp, và điều này sẽ gây ra các vấn
đề mới trong tương lai.
Song song với việc chấm dứt nạn bắt cóc, ông nghiêm cấm việc
bắt cóc và nô lệ hóa bất kỳ người Mông Cổ nào. Từ quá khứ bị
người Thái Xích Ô bắt làm lao dịch, ông hiểu nỗi thống khổ riêng tư
của việc bị bắt cóc làm nô lệ, nhưng ông cũng biết rằng tục lệ này có