có nhiều cơ hội mở rộng nó hơn nữa, cả triều đình lại không tập
trung vào đất nước mà vào người phụ nữ này, những gì bà đã làm,
và họ nên làm gì với bà. Quý Do ra lệnh cho quân lính đưa Fatima
vào, lột hết áo quần của bà và trói chặt bà lại trước mặt ông và toàn
triều đình. Bà bị giữ ở đó công khai, “đói khát nhiều ngày trời; bà
phải chịu mọi sự bạo lực, hung tàn, khắc nghiệt và đe doạ.” Họ đánh
bà rồi dùng một loại gậy kim loại nung nóng nào đó đập vào người
bà. Hình thức tra tấn công khai này có thể phù hợp với một phù thủy
trong xã hội châu Âu hay kẻ dị giáo dưới tay Nhà thờ Ki-tô giáo,
nhưng nó vi phạm hoàn toàn tập quán của Thành Cát Tư Hãn. Ông
giết kẻ thù không ghê tay và cai trị rất khắt khe, nhưng không bao
giờ tra tấn hay gây ra đau đớn không cần thiết. Nó còn đặc biệt đi
ngược lại với truyền thống Mông Cổ bởi nạn nhân là phụ nữ; trong
lịch sử Mông Cổ không có tiền lệ nào tương đương cả.
Việc Fatima bị tra tấn có lẽ về lý thuyết là hợp pháp dưới luật lệ
đương thời vì bà không phải người Mông Cổ hay kết hôn với người
Mông Cổ, mà là tù nhân chiến tranh với vị trí không chắc chắn
nhưng cũng không được bảo vệ. Khi sau cùng người phụ nữ bị tra
tấn thú nhận hàng loạt tội lỗi, bao gồm bỏ bùa Thoát Liệt Ca Na và
các thành viên khác của Hoàng tộc, Quý Do trừng phạt bà một cách
độc ác và có tính răn đe chưa từng thấy. Ông ra lệnh rằng mọi lỗ
hổng trên phần thân trên và dưới của cơ thể bà đều phải bị khâu kín
lại để không gì trong linh hồn bà có thể thoát ra ngoài, và bà phải bị
cuốn chặt bên trong một lớp chăn dạ và nhấn chìm xuống sông. Và