Trước khi bắt đầu cuộc tấn công, Húc Liệt Ngột cố gắng lợi dụng
những chia rẽ chính trị, tôn giáo và sắc tộc bên trong Baghdad bằng
cách bí mật kết nối với các tín đồ Ki-tô giáo trong thành. Vì mẹ và
hai người vợ của ông, cũng như nhiều người dưới quyền, đều theo
đạo Ki-tô, Húc Liệt Ngột đã giữ liên lạc và giành được sự tôn trọng
của nhiều cộng đồng Ki-tô giáo khắp vùng Trung Đông, và đã giữ
quan hệ tốt với các nước chư hầu theo Ki-tô giáo là Georgia và
Armenia. Tận dụng những quan hệ này, các sứ giả Ki-tô giáo bí mật
di chuyển qua lại giữa thành phố của họ và doanh trại Mông Cổ,
mang theo những thông tin trinh sát quý báu cho Húc Liệt Ngột, và
đổi lại nhận được lời hứa rằng người Ki-tô giáo và các nhóm thiểu
số khác trong thành sẽ biệt đãi. Một dấu hiệu rằng các tín đồ Ki-tô sẽ
được ưu đãi trong triều đình của ông là việc các tu sĩ được miễn quỳ
lạy trước Húc Liệt Ngột trong triều, bởi họ chỉ phải cúi đầu trước
Chúa trời. Húc Liệt Ngột lợi dụng nỗi sợ Baghdad của người Ki-tô
giáo, bởi họ là nhóm thiểu số trong một xã hội chủ yếu là những
người theo đạo Hồi có thể đối địch. Ông nhằm vào giấc mơ của
người Ki-tô giáo và người Do Thái rằng có ngày họ sẽ được thoát
khỏi sự cai trị của đạo Hồi.
Khalifah cũng cố lợi dụng mối quan hệ gần gũi của người Mông
Cổ và người Ki-tô giáo. Ông cho gọi Catholikos Makikha, vị trưởng
lão của nhà thờ, và cử ông cùng một lãnh tụ Hồi giáo tới đàm phán
với người Mông Cổ. Ông đề nghị sẽ tuyên bố phục tùng, trả cống
vật hậu hĩnh, và mỗi thứ sáu sẽ cầu nguyện trong nhà thờ Hồi giáo
dưới danh nghĩa của vị Khắc hãn, tức là chính thức thừa nhận phục