nhưng chúng thường được ngụy trang thành một công việc nặng nhọc, bạn
phải dành thời gian tìm ra chúng và sau đó, tiếp tục mài giũa nó.
Hãy nhớ lại câu nói của Theodore Roosevelt mà tôi đã trích dẫn lúc trước:
“Hãy làm những gì bạn có thể, với những gì bạn có, ngay ở nơi bạn đang
đứng đây”. Bạn không cần phải đi xuyên quốc gia hay tạo ra sự thay đổi đột
ngột trong cuộc sống. Trong phần lớn các trường hợp, những gì bạn đang tìm
kiếm lại nằm ngay trong bàn tay bạn. Nhưng bề ngoài thì nó không giống
như một cơ hội. Trong nhiều trường hợp, cơ hội lớn của bạn trông sẽ đơn
giản như một công việc vất vả, nặng nhọc.
Nguyên tắc thứ tư trong việc đặt ra mục tiêu là nguyên tắc cân bằng. Bạn cần
một loạt mục tiêu trong sáu lĩnh vực then chốt của cuộc sống để thể hiện
mình tốt nhất. Cũng giống như chiếc bánh xe ô tô phải thăng bằng thì nó mới
đi lại suôn sẻ, bạn phải đặt mục tiêu trong sự cân bằng thì cuộc sống mới
thuận buồm xuôi gió.
Bạn cần có mục tiêu cá nhân và mục tiêu gia đình. Bạn cần có mục tiêu sức
khỏe và thể chất. Bạn cần có mục tiêu trí tuệ và tinh thần, mục tiêu được học
tập và phát triển cá nhân. Bạn cần có mục tiêu công việc và sự nghiệp. Bạn
cần có mục tiêu vật chất và tài chính. Cuối cùng, bạn cần có mục tiêu tâm
hồn, mục tiêu nhằm vào quá trình phát triển bên trong và khai sáng tinh thần.
Để duy trì sự cân bằng hợp lý, bạn cần từ 2-3 mục tiêu trong mỗi lĩnh vực,
tất cả có khoảng 12-18 mục tiêu. Kiểu cân bằng này sẽ giúp bạn hoạt động
liên tục với những điều quan trọng. Khi không làm việc, bạn có thể theo đuổi
những mục tiêu gia đình. Khi không theo đuổi sự cân đối cơ thể, bạn có thể
tiếp tục quá trình phát triển cá nhân và sự nghiệp. Khi không tập thiền, bạn
có thể thực hiện các mục tiêu vật chất. Mục đích của bạn là biến cuộc sống
thành dòng chảy liên tục của sự phát triển và thành tích.
Nguyên tắc đặt mục tiêu thứ năm là việc quyết định mục đích chính trong
cuộc sống. Mục tiêu chính của bạn là mục tiêu số một, quan trọng hơn bất kỳ
một mục tiêu nào khác tại thời điểm này. Bạn có thể có nhiều mục tiêu
nhưng chỉ có một mục tiêu chính. Nếu không chọn được một mục tiêu chi
phối bao quát, bạn sẽ không tập trung nỗ lực, lãng phí thời gian và không có
khả năng tạo ra sự tiến bộ.
Muốn lựa chọn được mục tiêu bao quát, bạn phải phân tích tất cả mục tiêu
của mình và đặt câu hỏi: “Mục tiêu nào sẽ giúp mình nhiều nhất để đạt được
các mục tiêu khác?”