để đập vào, hai là để lấy lòng Thái hậu, chủ đích mong bà khen giỏi trù tính
chi tiêu.
Thế là năm đó, bản báo cáo dâng lên, Thái hậu xem qua, mừng rú lên, vì tự
nhiên mà có được một nhân khoản lớn đến hơn bảy trăm vạn lạng bạc. Bà
vội bảo Lý Liên Anh tới hội bê ngay số tiền lớn đó về cho bà, để dồn vào
số tiền chi phí trong công cuộc xây cất Di Hoà viên.
Tiền nong dư dả, tha hồ mà vẽ vời tô điểm cho Di Hoà viên. Thực thế, có
thể nói Di Hoà viên được kiến thiết chẳng kém phần hoa lệ, nguy nga so
với bất cứ một hoa viên nào!
Hoa viên xây cất đằng đăng suốt mấy năm trời, mãi tới năm Quang Tự thứ
mười chín thì hoàn thành. Vị đại thần giám đốc kiến tạo hoa viên bèn mời
các vị vương gia đại thần vào thăm vườn và xem xét lại một lần chót.
Hôm đó, Đôn thân vương chuẩn bị từ sáng sớm, đem theo một đám đông
đại thần tiến vào hoa viên để xem xét. Di Hoà viên hoa lệ ra sao, kiến trúc
như thế nào, xin mô tả qua để quý vị độc giả biết thêm một công trình kiến
trúc của thời quân chủ cách đây chưa bao xa, với bao nhiêu mồ hôi nước
mắt của quần chúng, hầu mong cung phụng cho hạnh phúc riêng của một
người, một dòng họ.
Di Hoà viên vốn xây cất trên cái nền cũ của Thanh Y viên ngày trước, tại
mặt tây Bắc Kinh, cách xa đô thành chừng hai mươi dặm. Lưng tựa vào
Vạn Thọ sơn, Động Nguyên viên, vây khắp hồ Côn Minh vào giữa. Nếu do
góc cửa đông mà đi vào, người ta phải qua cửa Nhân Thọ môn.
Điện đài nơi đây đồ sộ cao lớn, nhất là điện Nhân Thọ. Tiến vào cửa điện,
người ta gặp ngay một toà lâu đài gọi là Nguyệt Đài. Trong đài, tại tầng thứ
nhất có bày bốn các tĩnh lớn.
Lên tầng thứ nhì, người ta thấy có hai cái chum đồng chạm trổ hai con rồng
và hai con phượng múa lượn chung quanh. Trong giữa điện, đặt một cái
ngai quý bằng gỗ mun, cửa ngoài khoá chặt. Quay sang hướng tây, đi chẳng
mấy bước, ta sẽ thấy một tấm biển, trên khắc bốn chữ: "Thuỷ mộc từ thân".
Mặt tây ấy chính là hồ Côn Minh. Phía bắc hồ, là toà Lạc Thọ đường. Toà
đường này về sau trở thành tẩm cung của Hoàng thái hậu. Trước mặt
đường, cũng có một nguyệt đài.