THANH CUNG MƯỜI BA TRIỀU - Trang 1295

cho chiêu dụ Tôn Văn trở về với triều đình. Tây thái hậu đọc xong tờ sớ,
không nói gì nhưng miệng lại cười ruồi làm cho bọn đại thần ngơ ngác
không hiểu ra sao cả!

Thời giờ thấm thoát thoi đưa, chẳng mấy chốc mà cuộc đời đã tàn tạ. Thực
thế, Vinh Lộc, viên đại thần cháu ngoại cưng nhất của Tây thái hậu đã chết.
Bà được tin, triệu tập bọn đại thần lại để tìm cho Lộc một cái thuỵ hiệu, cả
bọn nghĩ mãi mới ra được bốn chữ: "Khác cương chính trung" rồi trình lên.
Tây thái hậu bèn cầm ngay châu bút khoanh tròn lấy chữ "Trung" ở dưới
chót, do đó, thuỵ hiệu của Lộc là hai chữ "Văn Trung"…

Sau cái chết của Vinh Lộc, người ta lại thấy các chức vụ trong triều thay
đổi suốt lượt. Lưỡng Hổ tổng đốc Trương Chi Động được điều về làm Thự
Quân cơ đại thần, Na Đồng là Hiệp biện đại học sĩ. Ngoài ra, còn xuống
chiếu cấm tục bó chân, thực hành việc thông hôn giữa hai dân tộc Mãn Hán
(trai gái Mãn và Hán đều được phép lấy nhau).

Trong triều đình tuy có những cuộc tranh cãi như vậy, nhưng bên ngoài,
bảy tỉnh an duy, bỗng sinh ra cuộc binh biến.

Hùng Thành Cơ hiệu triệu Dân đảng gây phong trào, dựng cờ khởi nghĩa,
nhưng cuối cùng bị tiêu diệt. Binh biến vừa êm thì cuộc cách mạng phát
sinh vào trung tuần tháng năm năm đó, đạo viên hậu bổ là Từ Tích Lân
phát động phong trào cách mạng. Lân vốn là một học sinh tại Nhật Bản,
tuổi chưa đầy ba chục, nhưng thường ôm chí lớn, tư tưởng lúc nào cũng
đầy ắp lý thuyết cách mạng dân tộc. Thấy triều đình Mãn Thanh thối nát,
bọn Tây phương bên ngoài xâm lăng, láo lếu khinh miệt dòng tộc Hán, Lân
quyết chí xô đổ triều đình Mãn Thanh để tổ chức thành một quốc gia theo
thể chế Cộng hoà. Có chủ trương như vậy, Lân kết giao một số các đồng
chí khi còn ở Trường Kỳ (một hòn đảo lớn tại Nhật) sau đó quay về Trung
Quốc tuyên truyền cách mạng.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.