Kinh hồi đó tụ tập không biết bao nhiêu là tay hảo hán. Họ thường ra phố
nhậu nhẹt chán rồi gây sự. Viên quan địa phương biết mà vẫn phái làm ngơ.
Giữa lúc tình trạng đua tranh đến lúc khẩn trương thì bỗng Vệ phi chết.
Khang Hi hoàng đế cố nhiên là thương xót vô cùng. Ngay cả viên quan thị
vệ họ Vệ cũng bi thương không kém. Họ Vệ bèn lui ra khỏi cung bày mưu
lập kế cho Dân Trinh hãm hại thái tử.
Từ khi Vệ phi mất, Khang Hi hoàng đế đâm ra chán cả mọi sự, sống trong
cung điện chẳng thấy thú vị gì nữa.
Tuy trong tam cung lục viện có biết bao nhiêu cung tần mỹ nữ bầu bạn bên
cạnh nhưng đối với ngài thực chẳng có ai bằng được Vệ phi. Suốt ngày
ngài thở vắn than dài ăn không ngon ngủ không yên. Có khi ngài nhớ tới
Vệ phi lại cũng có khi ngài nhớ phụ hoàng của ngài.
Lúc đó, quan tài của Vệ phi được đưa ra quan ngoại mai táng. Khang Hi
hoàng đế vẫn nhớ tới tình xưa nghĩa cũ bèn lấy danh nghĩa thăm viếng
Phục lang để đưa linh cữu Vệ phi tới chôn cât ở Sơn Hải quan. Chính ngài
đốc suất xây lăng đắp mộ.
Công việc tang ma đã xong, nhưng Khang Hi hoàng đế không muốn trở về
cung. Ngài bèn hạ chỉ Nam tuần, lấy cớ là đi quan sát tình cảnh khổ cực
của dân. Ngài lại hạ chỉ sai thái tử Dân Nhung lo việc quốc giám.
Sau đó, ngài cùng với văn võ đại thần, vương công bối lặc chọn đúng ngày
mồng một tháng chín niên hiệu Khang Hi thứ hai mươi ba khởi trình ra
khỏi kinh đô. Quan đại học sĩ Trương Anh cùng với nội đại thần Giác La
Vũ Truất Nạp, thống lĩnh khắp triều văn võ tiễn đưa xa giá Nam tuần.
Lần đi tuần du này hoàng đế hạ chỉ cho các châu huyện trên đường ngài đi
qua vẫn phải làm việc như thường, không được đón rước cung đốn, nếu trái
chỉ sẽ bị cách chức và hỏi tội. Ngài ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ của dân
chúng lặng lẽ chèo tới chân núi Ngũ Đài sơn, ngồi kiệu lên núi rồi ngừng
lại nơi chùa Thanh Lương.
Nhà sư trụ trì chùa này thấy nhà vua đến bất ngờ, sợ muốn chết, vội vội
vàng vàng chạy ra tiếp giá và mời vào phương trượng. Bọn nội giám đã
chuẩn bị sẵn đèn nhang, mời ngài lễ Phật. Lễ xong Khang Hi hoàng đế bèn
hỏi: