hoành khắp bốn mặt. Hai bên ác đấu đến hàng giờ rồi mà bọn Nham vẫn
không tới gần được y. Tuy nhiên, cậy đông người, bọn Nham vây chặt vòng
này tới vòng khác khiển Thiết bố sam cũng khó lòng thoát thân. Y đang
định phi thân lên nóc nhà để thoát đi, không ngờ có một tiếng gầm vang rồi
từ trên nóc, một bóng người nhảy vút xuống như một con đại bàng, thẳng
cánh giáng một đao xuống đỉnh đầu Thiết bố sam. Chiếc đầu trọc của y
chẳng khác gì một trái dưa bị chẻ làm đôi, lưỡi dao còn đi ngọt xuống tới
mãi cổ mới chịu ngừng. Thế là Thiết bố sam chỉ trong nháy mắt đã lìa đời.
Dân chúng khắp các thôn phường chung quanh được tin Thiết bố sam đã
chết, kẻ nào kẻ nấy mừng rơn như chính mình vừa được cứu sống, bèn đem
thây y chặt thành trăm miếng, mang về nhà rán mỡ đất đèn.
Bạch Thái Quan chẳng thèm từ biệt Đại Nham hoà thượng, nhảy vút lên
mái nhà bỏ đi mất dạng. Tổng đốc Tứ Xuyên Nhạc Chung Kỳ vội đưa sư
Đại Nham về nha môn, mời ở trong một tịnh xá để cung dưỡng. Mấy hôm
sau, thánh chỉ từ Bắc Kinh đưa tới, thưởng Đại Nham hoà thượng một vạn
lạng bạc, Nhạc đại tướng quân còn phái tài quan hộ tống nhà sư về nam,
đồng thời gửi mấy chục đạo trát lệnh cho các quan địa phương dọc đường
phải chuẩn bị xe thuyền để đón đưa cẩn thận, không được sơ sót.
Đại Nham hoà thượng về tới Dương Châu, bèn mua gạch mua gỗ, xây cất
thánh điện, cạnh điện làm một toà Ngô viên (Vườn ngô), trong vườn kiến
thiết một toà Hoa nghiêm đường hết sức tráng lệ. Tất cả những sở phí xây
cất đều do các thân hào địa phương quyên giúp. Từ đó sư Đại Nham ngày
ngày thường hội khách tại Hoa nghiêm đường uống rượu, luận bàn kinh sử.