cửa sổ chăm chú nhìn qua. Thật là một bức hoạ tuyệt mỹ của đôi thiếu nữ!
Thiếu Xuân còn trẻ người nên nhút nhát trước hai nàng, chàng chỉ dám
nhìn chứ chẳng dám nói. Tính chàng lại hiền hậu, chẳng bao giờ dám
đường đột làm quen cả.
Nhưng về sau, chàng thấy mình cầm lòng không đậu, bèn thổ lộ hết cho mẹ
nghe để mẹ nhờ người mối lái đánh tiếng cho mình. Hai chị em nhà họ Tôn
văn nhắc lại lời nguyện xưa là hai mươi tuổi mới lấy chồng. Thiếu Xuân
đành chịu, chẳng còn biết cách nào, chỉ ngày ngày ngồi bên cửa sổ ngó qua
bờ bên kia, để cho lòng chết dần theo mối tình tuyệt vọng, bỏ cả sách vở,
bỏ cả thơ văn.
Suốt ngày chàng chỉ ngồi trong thư phòng thở ngắn than dài. Con thì thế
nhưng mẹ thì khác. Bà Hồ thị cứ cho rằng Xuân chăm học lắm, đang cố sức
dùi mài kinh sử để chờ cướp mũ áo Trạng nguyên nên chẳng dám tới làm
mất thì giờ vàng ngọc của cậu con trai cưng của bà.
Phía bờ bên kia, hai chị em Hàm Phương có biết đâu rằng hiện có người
đang tan nát cõi lòng vì mình. Nhưng ở đời, thiên hạ thường có nhiều
chuyện trớ trêu, đâu có bình an nổi mãi. Hồi đó trời đã hết xuân sang hè.
Suốt một giải dọc sông hoa nở tưng bừng, nước trong leo lẻo. Khách nhàn
du nhìn cảnh ai chẳng bâng khuâng tấc dạ. Còn hai chị em Hàm Phương
chiều chiều ra ngồi trên phiến đá hóng mát buông câu.
Một hôm, trời đã về chiều, trước cái cảnh ngày dài người vắng, Hàm
Phương một mình ra bờ sông, vừa định ngồi xuống, bỗng nàng xây chân té
xuống nước.
Lúc đó hai bên bờ vắng lặng không một bóng người, nên chẳng ai biết mà
tới cứu. Nhưng đối với Thiếu Xuân, có cái gì của hai nàng mà chàng lại
chẳng biết, bởi vì lúc nào đôi mắt của chàng hình như cũng có một chất keo
nó dính chặt vào hình dáng của người đẹp, không muốn rời ra lấy một phút
một giây nào!
Thấy "người của lòng mình" rơi xuống sông, Thiếu Xuân vội cởi áo dài,
mở cửa sau, tung người ra phía trước, nhào xuống giữa dòng nước. Mục
đích của chàng lúc đó là nhào ra để cứu nàng, nhưng ngờ đâu cả hai người,
chàng cũng như nàng, chẳng một ai biết bơi lội, thành thử chỉ chút xíu mất