không ngờ rằng giữa hoàng đế và Đổng thị chưa hề có chuyện gì dâm ô xấu
xa cả. Sở dĩ có được điều tốt đẹp này là nhờ ở cái đẹp như thiên tiên, cái
đức tinh khiết của nàng khiến Hoàng đế phải kính phục mà trấn áp được
lòng dục. Tới lúc thân mật nhất, bất quá cũng chỉ có một cái nắm tay là
cùng.
Điều khổ tâm nhất là tình cảnh cô đơn thê thảm của Vương Sâm, trong khi
chàng bị bỏ quên nơi viện xảo nghệ, ngày đêm nhớ tới người vợ vừa, đẹp
vừa hiền đức. Chàng cầu khẩn viên tổng quản thái giám cho tới gặp mặt vợ
chàng nhưng y chỉ đáp rằng người mà hoàng thượng đã giữ lại thì làm sao y
dám tới gọi được. Thế là từ đó Vương Sâm như điên như dại, suốt ngày lúc
khóc lúc cười khiến mọi người trong viện cho rằng chàng đã mất trí, chẳng
thèm để ý tới chàng nữa.
Bỗng một hôm hoàng thượng từ trong cung đi ra: Sâm nhìn thấy vội bò
mọp trên mặt đất, dập đầu liên hồi xin ngài cho phép vợ chồng ra ngoài gặp
mặt một lần. Hoàng đế cười nói:
- Vợ người thủ công hết sức tinh xảo nên hoàng hậu lưu lại trong cung,
không chịu cho ra nữa. Nếu người sợ buồn bã tẻ lạnh, trẫm sẽ thưởng cho
người một cô cung nữ nhé!
Nói đoạn, ngài đi luôn. Đêm hôm đó, quả nhiên trong cung đình đưa ra một
cô cung nữ thật. Viên thái giám quét dọn cho Sâm một căn phòng thật sạch
sẽ, rồi đưa cả hai vào bên trong. Không ngờ luôn ba đêm, hai người chẳng
ai gần ai. Sâm lại càng nổi cơn điên dại. Thấy ai Sâm cũng kêu, cũng cầu
xin được gặp mặt vợ mình.
Hoàng đế biết hết mọi hành động, thái độ của Sâm. Ngài thăng chàng lên
quan hàm ngũ phẩm, lại thưởng cho chàng hai vạn lạng bạc, rồi sai hai tên
thị vệ đưa về Giang Nam, thưởng thêm cả cô cung nữ nọ nữa.
Cô cung nữ này vốn người Giang Nam, nên rất sung sướng được trở về quê
nhà, cũng nguyện ý lấy Sâm. Sâm bảo nàng:
- Tôi cùng với vợ tôi, hai người tình nghĩa sâu như biển cả, chẳng may
nàng bị giữ lại nơi cung cấm, tôi không thể nhẫn tâm phụ nàng được.
Nói đoạn, chàng cho cô cung nữ ba ngàn lạng bạc, đưa về nhà cha mẹ để đi
lấy chồng. Chàng lại mang theo một vạn lạng bạc, lẻn lên Nhiệt Hà, bỏ tiền