bảo vệ cơ nghiệp tổ tiên, trái lại, chỉ tuyển chọn gái đẹp làm khổ dân lành.
Rồi đây, Mãn Thanh thiên hạ này sẽ do một tay hoàng thượng dâng cho kẻ
khác. Tiểu nữ đến chỗ này không coi sống chết ra gì nữa, dù có búa rìu sấm
sét cũng chẳng sợ, chỉ vì tôn kính hoàng thượng mà nói đó thôi.
Hàm Phong hoàng đế đang hầm hầm giận dữ, bỗng nghe Ái Cô nói một
thôi những lời lẽ quang minh chính đại, bất giác hết giận làm lành ngây
người ra nhìn nàng rồi ngài chợt cười nhạt một tiếng, phất tay áo và bảo:
- Phải! Phải lắm! Cho chúng về hết đi. Ta cũng chẳng thiết nữa!
Viên tổng quản thái giám nghe vậy, chỉ còn việc đưa hết bọn tú nữ về quê.
Từ đó, khắp kinh thành ai cũng đều khen Ái Cô là người con gái tài đức
song toàn, nhiều kẻ muốn tới để cầu thân. Về sau Ái Cô được gả cho chàng
công tử con của một vị thượng thư người Mãn, vợ chồng ăn ở với nhau rất
hoà hợp duyên may.
Đúng vào hôm tuyển lựa tú nữ đó, hoàng đế đã cùng hoàng hậu cãi vã nhau
kịch liệt. Hoàng hậu thì khuyên hoàng đế nên bỏ chuyện tuyển tú nữ, bà
nói:
- Hiện nay miền nam đang loạn lớn. Hoàng thượng lo việc hằng ngày còn
chưa xong, còn hơi đâu mà đi tuyển tú nữ nữa?
Câu nói đó khiến hoàng thượng cả giận, cho rằng bà ghen. Hoàng hậu vốn
rất hiền đức, bình sinh rất sợ tiếng ghen tuông. Nay nghe hoàng thượng bảo
vậy, bà thấy oan cho mình quá, oan mà không cãi nổi, nên bà đành phải
tranh biện đôi lời.
Thế là hai ông bà cãi nhau, cãi từ sáng cho tới chiều. Bọn tú nữ đứng đợi
ngoài cửa cung lâu đến một ngày là vì thế.
Hàm Phong hoàng đế ra khỏi cung, lại nghe thêm lời nói của Ái Cô, bèn
không tuyển tú nữ nữa.
Hàm Phong hoàng đế vốn có tính hơi kỳ cục. Ngài ở trong cung chơi với
bọn phi tần chán chê rồi bảo gái Mãn Châu, người thô, xuẩn và không thích
nữa. Gái Hán đẹp hơn, chơi vui hơn.
Trong cung Thanh, tuy cũng có vài gái Hán nhưng tư sắc bình thường, hon
nữa lại quê miền Trực Lệ, Sơn Đông nên người đã cao lại to, chân cũng lớn
nữa. Hàm Phong hoàng đế lại thích gái nhỏ nhắn, và nhất là gái ở phương