Bọn cung nữ thật là vô cùng cơ khổ, không biết kêu cứu vào đâu được!
Ngự y xem mạch bốc thuốc mà vẫn bệnh nào tật nấy không chút thuyên
giảm.
Tin này dần dần truyền tới cung Khôn Minh khiến Hiếu Trinh hoàng hậu
hay biết. Hậu vội vã phượng giá đích thân tới vườn Viên Minh đưa hoàng
đế vào cung, rồi tự tay nâng giấc hầu hạ.
Hàm Phong hoàng đế vốn kính trọng Hiếu Trinh hoàng hậu, nay thấy bà tận
tuỵ săn sóc cho mình thì cảm động lắm. Nhờ đó sức khoẻ ngài càng khá,
bệnh hoạn lui dần.
Cung Thân vương Dịch Cân là em ruột Hàm Phong hoàng đế. Hai anh em
ngày thường rất quý mến nhau. Do đó, Hiếu Trinh hoàng hậu cho người đi
mời vương vào cung.
Cung Thân vương vừa gặp Hàm Phong hoàng đế, bèn khuyên:
- Hiện nay quốc gia đa sự, cần nhờ đức hoàng thượng chấn chỉnh, hoàng
thượng nên bảo trọng thân thể, khôi phục tinh thần, chăm lo việc nước, trên
thì bảo vệ cơ nghiệp của tổ tông, dưới thì cứu vớt trăm họ ra khỏi cảnh nạn
lớn mới phải.
Hàm Phong hoàng đế nghe em khuyên một hồi, bỗng tỉnh ngộ. Từ đó, sức
khỏe ngài khá dần. Ngài truyền dụ toạ trào.
Các quan văn võ triều đình đã lâu không có buổi chầu nào, nghe nói hoàng
đế toạ trào, ai cũng đều vui mừng hoan hô vạn tuế. Hoàng đế đã lâu không
hỏi đến việc triều chánh, lúc này mới biết Nam Kinh đã thất thủ, Hàng
Châu cũng mất, quân trú phòng ở các nơi đều không đánh mà lui cả. Sau đó
ngài lại tiếp được cấp báo của tổng đốc Lưỡng Quảng là Kỳ Anh nói quân
Anh đánh vào thành Quảng Châu.
Hàm Phong hoàng đế nghe tin liền nói:
- Làm sao bây giờ? Làm sao bây giờ?
Văn võ bá quan trong triều miệng ngậm kín như hến, giương mắt nhìn,
không nói được lời nào. Mãi về sau, Thượng thư bộ hạ là Tiên Thuận mới
quỳ tâu được mấy câu:
- Bọn Kỳ nhân chúng tôi đều hèn nhát chẳng ra gì, chỉ biết ngồi ăn bổng lộc
triều đình nào có biết chiến trận. Xin bệ hạ truyền chỉ xuống cho Tịch thị