quay mũi dùi chuyển xuống đánh Giang Bắc. Dương Tú Thanh cũng mang
hai vạn quân đánh thẳng tới Hà Nam, Quý Đức, Phượng Tường lại bắt
được một số tàn quân, vượt qua Hoàng Hà đánh tỉnh Sơn Tây.
Tin cấp báo bay như bươm bướm về kinh. Hàm Phong hoàng đế lập tức
triệu tập bọn đại thần các bộ tại ngự tiền hội nghị.
Ngài hạ chỉ phái tổng đốc Trực Lệ là Nỗ Nhĩ Kinh làm khâm sai đại thần
chuyên biện quân vụ tỉnh Hà Nam, một mặt thúc giục Tăng Quốc, chiêu mộ
bọn hương dũng đi tiễu giặc ở Hồ Bắc.
Tăng Quốc Phiên và Trương Lượng Cơ lập ra thuỷ trận tại sông Trường
Giang, chặn đứng được quân của Thái Bình Thiên Quốc.
Hàm Phong hoàng đế sau khi nghe lời khuyên can của Cung Thân vương,
đem lòng yêu quý vương. Điều đáng chú ý là ngài trước đây, do hiếu sắc
quá độ cho nên thân thể đã suy. Quân vụ hồi này lại quá nhiều, quá gấp,
ngài chẳng còn đủ sức khỏe để giải quyết mọi việc. Cho nên, việc quân cơ
đại sự ngài đều giao cho Cung Thân vương toàn quyền. Ngài sợ vương ra
ngoài vất vả, bèn giữ lại trong cung, ngủ luôn trong đó. Vương ở trong
cung đến hơn mười ngày.
Không ngờ lúc đó, người con trai của vương ở nhà, gây ra một án tình rắc
rối.
Con trai cả của Cung Thân vương tên gọi là Trưng bối lặc. Ông bối lặc này
tứ đổ tướng đều giỏi hết, chuyên tụ tập với bọn ma cô, du đãng, tối ngày
hết gái đến cờ bạc, hết đá gà đến đua ngựa, không ngón chơi nào là không
rành.
Trưng bối lặc quá quen về món gái làng chơi, nên bọn mụ dầu hoặc em út
khắp kinh thành Bắc Kinh, ai cũng biết danh.
Người ta gọi Trưng là đại gia. Trưng đại gia có tính rất kỳ cục. Nhà thiếu gì
tiền, nhưng Trưng lại không muốn chơi theo lối quang minh chính đại bằng
cách bỏ tiền ra hỏi cưới mấy nàng hầu. Trưng bối lặc lang thang suốt năm
ngoài chợ, ngoài xóm chơi bời phóng đãng, theo kiểu lêu lổng, tốn kém
không biết bao nhiêu mà kể. Trong nhà Trưng chỉ có mỗi một bà phúc tấn,
chẳng có vợ hai, vợ ba nào cả. Bà bối lặc tính lại không hợp với chồng,
suốt năm suốt tháng ở lỳ bên nhà cha mẹ, không thèm về phủ.