vàng, nhưng là vàng giả này mà giá đáng mười tiền thì quả buồn cười. Bởi
thế nàng không do dự gì cả đưa ngay cây thoa cho anh ta.
Thật đáng thương cho anh chàng chủ tiệm cầm đồ, chỉ vì cái sắc của Lan
Nhi mà mắt bị mờ, nên đã coi của giả ra của thật, mất toi mười tiền.
Nàng Lan Nhi cầm số tiền về nhà vội đi mời thày lang.
Ông lang tới nhà bắt mạch, chỉ thấy lắc đầu lia lịa, bảo nàng:
- Bệnh lao đã tới thời kỳ chót, không làm gì được nữa rồi! Nên lo liệu hậu
sự cho ông nhà đi thôi.
Bà Đông Giai nghe lời cụ lang hồn vía đã vội lên mây. Bà nghĩ gia đình bà
lưu lạc tha hương, chẳng may ông chồng có mệnh hệ nào thì ngay đến cỗ
quan tài cũng không có tiền nổi.
Y nghĩ đó vừa lẩn quẩn trong óc bà, thì trên giường kia, chồng bà, ông Huệ
Trưng, mặt đã nhăn lại, mắt đã trợn trừng lên, lạc hết tinh thần.
Bà Đông Giai vội kêu các con tới đủ mặt, con trai Quế Tường, con gái Lan
Nhi, Dung Nhi, tất cả đều xúm quanh gọi nhưng không kịp nữa, ông Huệ
Trưng đã đi xa rồi, hoạ chăng chỉ còn vài hơi thở hắt ra mà thôi. Rồi chỉ
thấy đôi chân ông duỗi mạnh ra một cái, thế là xong cả một cuộc đời ba
chìm bảy nổi vật lộn với đời, nhưng rút cuộc tàn trong bệnh hoạn và nghèo
khổ.
Bà Đông Giai ôm lấy chồng mà kêu khóc. Bà nghĩ tới cảnh goá bụa cô đơn
mà khóc thêm, khóc đến thê thảm khôn nguôi.
Lan Nhi, Dung Nhi, Quế Tường cũng oà khóc theo mẹ. Thế là cả nhà đều
cùng khóc đến đất thảm trời sầu.
Thật đáng thương, ông Huệ Trưng khi nằm xuống, đến cái quần dài, cái áo
cộc lành lặn cũng không có đủ nữa. Cụ Chu, lão bá hàng xóm thấy cảnh
đáng thương quá, liền đi khắp từ đầu phố tới cuối phố, quyên góp được ít
tiền nhưng mới chỉ đủ để mua vải liệm cho ông Huệ Trưng, chứ chưa đủ để
mua quan tài.
Chu lão bá lúc bí kế bèn nghĩ ra được một cách.
Ông đem theo cô gái Lan Nhi tới gia đình các vị quan lại đồng liêu với cha
nàng trước để xin giúp đỡ. Trong số quan lại này, có kẻ thì đang còn tại