để toạ trào. Đến lúc đó, Hàm Phong hoàng đế dần dần mới rõ được mọi
việc đại sự bên ngoài, nhất là bọn Hồng Tú Toàn đã cướp được Nam Kinh
và đang tiến dần vào Bắc Kinh. Hàm Phong hoàng đế hoảng hồn bạt vía,
nhưng nhất thời chẳng tìm ra kế sách gì. Thoái trào hồi cung, ngài đem việc
triều chính ra bàn với hoàng hậu. Hậu nói:
- Thiếp chỉ là một người đàn bà làm sao hiểu được việc triều đình. Huống
hồ cung nhân can thiệp vào triều chính là điều cấm kỵ của tổ tiên, mong bệ
hạ chớ nên mưu tính việc lớn với đàn bà. Ngài nên tìm một vài kẻ đại thần
nào đó mà bàn tính thì hơn.
Lời khuyên giải đó của Hiếu Trinh hoàng hậu vừa đúng ý, vừa nhũn nhặn,
duyên dáng, càng làm cho Hàm Phong hoàng đế thêm phần yêu kính. Ít
hôm sau Hàm Phong hoàng đế hạ một đạo dụ sai tổng đốc Trực Lệ là Nột
Nhĩ Kính Ngạch làm khâm sai đại thần chuyên biện quân vụ miền Hà Nam
để chống lại đoàn quân tóc dài đang xông lên miền Bắc.
Lại nói hồi đó Hồng Tú Toàn đã cướp được Nam Kinh, dựng nước tại đây,
mở khoa thi chọn kẻ sĩ, khuyến khích nghề nông, đôn đốc nghề thợ. Bọn
ngoại quốc thấy Toàn thanh thế ngày thêm lớn mạnh, quân đội lại đông,
bèn hùa vào, miệng khen nào là cách mạng vì giống nòi, nào là vì dân để
diệt bạo. Bọn ngoại quốc càng về sau càng tin tưởng Toàn hơn.
Gã ngoại quốc đầu sỏ phải nói là Hoa Kỳ. Hoa Kỳ sai một chiếm hạm
thẳng xuống Nam Kinh. Hồng Nhân Can là em Hồng Tú Toàn biết ngoại
ngữ ra tiếp viên thuyền trưởng.
Viên thuyền trưởng dâng quốc thư, gọi Toàn là Thái bình Thiên quốc Thiên
vương. Toàn chấp thuận cho người ngoại quốc thông thương với điều kiện
là yểm trợ cho Toàn.
Viên công sứ Hoa Kỳ tới Thượng Hải thông cáo cho lãnh sự các nước khác
như Anh, Pháp. Thế là đối với Thái bình Thiên quốc, đám ngoại quốc Tây
phương ai cũng bằng lòng vừa ý cả.
Hồng Tú Toàn cũng sai Hồng Nhân Can làm khâm sai đi Hoa Kỳ đệ quốc
thư. Từ đó, người ngoại quốc bất cứ quốc tịch nào, thảy đều giúp Hồng Tú
Toàn chống lại Thanh triều.
Tại Quảng Đông, các viên lãnh sự ngoại quốc chống đối tổng đốc Kỳ Anh,