nên Kỳ được rút về kinh làm đại học sĩ, Từ Quảng Tấn ra thay làm tổng
đốc Lưỡng Quảng và Diệp Danh Thám làm tuần phủ Quảng Đông.
Chiến thuyền Anh tiến vào Quảng Đông. Tấn đem quân Đoàn dũng chống
lại. Quân Anh rút lui. Triều đình hạ chỉ thưởng Tấn tước tử, và Thám tước
nam. Về sau, Thám còn được làm tổng đốc nữa.
Không ngờ sau khi được làm tổng đốc, Thám đâm ra kiêu căng, khinh
thường hết quân Đoàn dũng. Quân Đoàn dũng tinh Quảng Đông trước đó
đã lập được nhiều công, thấy thế đâu có chịu. Do đó, hai tên đầu mục của
đoàn quân này là Quan Cự và Lương Tiếp bỏ lên tàu Anh xin hàng, và tình
nguyện xin với viên lãnh sự Anh là Ba Hạ Lễ làm hướng đạo cho quân
Anh. Viên lãnh sự Anh vốn ghét Thám, nhưng chưa tìm được ra cớ gì. May
thay một câu chuyện xảy ra, giúp ích rất nhiều cho y. Số là hồi đó, có mấy
chiếc thuyền buôn lậu á phiến giả mạo treo cờ Anh chạy vào bén. Viên chỉ
huy tàu binh tuần sông bắt được giữ thuyền lại, trói giật mười ba anh thuỷ
thủ Hoa tống vào lao.
Tin này đến tai viên lãnh sự Anh Ba Hạ Lễ. Đây là cơ hội nghìn năm một
thuở cho Lễ, dại gì mà bỏ qua. Thế là Lễ viết thơ trách Thám, và bảo đó là
thuyền của người Anh.
Thám thấy chuyện chẳng lớn lao gì, bèn hạ chỉ thả hết mười ba thuỷ thủ
Hoa bị giam và đưa về cho Lễ. Tưởng thế là yên chuyện, nào ngờ Lễ kiếm
chuyện không chịu, bắt viên thuỷ sư đề đốc nhà Thanh phải đích thân tới tạ
lỗi trước cửa nhà y, đồng thời phải đưa viên chỉ huy chiếc tàu binh nọ tới
cho y xử tội.
Thấy người Anh vô lễ nhưng Thám chẳng thèm chấp và cũng chẳng đề
phòng gì. Ba Hạ Lễ bèn yêu cầu viên công sứ Anh ở Hương Cảng đem
chiến thuyền tới, đánh phá pháo đài Hoàng Phố. Thám cũng vẫn bỏ qua.
Đoàn chiến thuyền Anh tiến đánh pháo đài núi Phượng Hoàng, cướp pháo
đài Hải Châu, có ý ngấp nghé thành Quảng Châu. Quan ty đạo trong thành
hoảng hốt chạy tới dinh tổng đốc xin yết kiến. Thám tay cầm lá đơn mặt
tỉnh bơ, như không có chuyện gì xảy ra.
Bỗng vang lên một tiếng nổ như tiếng sét, chấn động cả thành phố. Thì ra
đại bác của chiến thuyền Anh bắn phá thành, khiến bức tường ngoài đổ vỡ