lại chủ trương của mình. Tuy nhiên, dùng kế này rất dễ đi vào con đường nguy
hiểm, nếu sơ xuất thì tỷ như rước voi về giày mả tổ. Nếu mượn xác mà mượn
ẩu thì chẳng khác gì vác xác chết về nhà.
36. Tẩu kế (Chạy, lùi, thoát thân)
"Tẩu kế" nghĩa là chạy, lùi, thoát thân.
Tại sao kế sau chót cổ nhân lại đặt là "kế chạy"? Lại có câu: "Tam thập lục
kế, tẩu vi thượng sách". (Ba mươi sáu chước, chạy là hơn hết!) Bởi vậy kế này
liên quan nhiều đến sự thành bại của một công việc lớn. Bất luận là đánh nhau
bằng văn hay bằng võ, không ai là có thể thắng hoài. Trong quá trình chiến đấu
bao gồm nhiều kiểu thắng, nhiều kiểu bại, lúc ẩn lúc hiện, trong chớp mắt dồn
dập cả trăm ngàn biến chuyển. Nếu không ứng phó mau lẹ để tránh những cảnh
bất lợi, để nắm mau lợi thế mà tiến tới thắng lợi, thì không phải là nhân tài.
Chạy có nhiều phương thức. Bỏ giáp, bỏ vũ khí mà chạy, bỏ đường nhỏ mà
chạy tới đường lớn, bỏ đường bộ mà chạy sang đường thủy... Các phương thức
tuy không giống nhau nhưng cùng hướng chung đến mục đích là tránh tai họa
để bảo đảm an toàn, để bảo toàn lực lượng.
"Tẩu kế" không phải là chạy dài. Chạy chỉ là một giải pháp để mà sẽ quay
lại. Tinh hoa của kế chạy là giành thời gian, bảo tồn sức khỏe, lực lượng. Rút
chạy đến một vị trí mới, cho tư thế vững mạnh hơn, tập trung nỗ lực và củng
cố tinh thần, chọn một cơ hội thuận tiện để quật lại, ấy mới thực là "Tẩu kế".
Sau hết phải lo đến điểm nguy của kế chạy: Khi chạy, sẽ mất tinh thần, sự việc
hoàn toàn lỏng lẻo, mất sự tin tưởng ở xung quanh. Nếu không giải quyết cho
chính xác những vấn đề trên thì "tẩu" không còn là một kế hoạch nữa, mà là
một sự tan rã vậy!