Thái Công đáp: “Ba quân ta không phòng bị, trâu ngựa không có thức ăn,
binh sĩ không có lương thực, như vậy phải tìm cách đánh lừa địch để bỏ đi
ngay, và phải đặt phục binh ở đằng sau".
Võ Vương hỏi: "Ta không đánh lừa được địch mà binh sĩ ta lại hoang mang,
địch đánh phía trước và phía sau ta. Ba quân ta tán loạn thua chạy. Như vậy
phải làm sao?"
Thái Công đáp: "Ta tìm lối thoát là chính, dựa theo tình hình địch mà sử
dụng một cách khéo léo".
Võ Vương hỏi: "Quân địch biết rằng ta có đặt phục binh. Nên đại quân của
chúng không dám vượt sông mà chỉ cho những toán nhỏ qua sông. Quân ta
thấy vậy rất lấy làm sợ hãi. Như vậy phải làm sao?”.
Thái Công đáp: “Nếu như vậy ta phải chia ra làm nhiều toán xung kích,
chọn chỗ tiện lợi mà đóng quân. Đợi những toán quân nhỏ của địch sang đến
bên này bờ sông thì ta cho phục binh đánh nhanh ở phía sau. Nỏ mạnh ở bên
trái và bên phải cùng lúc bắn ra. Chiến xa và kị binh lập thành trận điểu vân lo
phòng bị ở trước và ở sau. Quân ta đánh thật nhanh, quân địch thấy quân ta
tiến đánh ắt họp đại binh lại để vượt sông. Khi đó ta cho phục binh đánh nhanh
ở phía sau, chiến xa và kị binh tiến đánh bên trái và bên phải. Quân địch tuy
đông, tướng của địch cũng sẽ bỏ chạy. Điểm quan trọng của việc dùng binh là
trong khi lâm chiến với địch phải suy nghĩ mà đặt xung trận và coi chỗ nào tiện
lợi thì đóng quân rồi sau mới chia kị binh ra thành lập điểu vân trận. Đó là điều
đặc biệt của việc dùng binh. Gọi là điểu vân tức là điểu tan vân hợp (chim bay
tản ra và mây tụ hợp lại)".
Võ Vương khen: "Hay lắm".
Thiên thứ bảy
THIỂU CHÚNG
Võ vương hỏi Thái Công rằng: "Ta muốn dùng binh ít mà đánh binh đông,
dùng binh yếu đánh binh mạnh, như vậy phải làm sao?".
Thái Công nói: "Muốn dùng binh ít để đánh binh đông thì phải đợi khi chiều
tối cho binh mai phục ở chỗ cỏ cây rậm rạp và đoạn đường hiểm yếu mà đánh
địch. Còn muốn dùng binh yếu đánh binh mạnh thì phải được sự trợ giúp của
nước lớn đối với các nước láng giềng".