83.- GÁI TƠ VÀ THỎ:
Lúc đầu binh giống như gái tơ, nhưng về sau khi địch mở cửa thì chạy lẹ
như thỏ, địch không kịp chống cự.
84.- TINH THẦN:
Người người đều ngay thẳng, lời lời đều nóng bỏng như lửa.
85.- PHƯƠNG CHÂM DÙNG BINH:
Chiến xa lấy sự dày kín làm kiên cố, lính bộ lấy sự ngồi giữ làm vững chắc;
giáp trụ lấy sự nặng nề làm bền bỉ; binh lấy sự nhẹ nhàng làm ưu thắng.
Gửi thư từ để kết thân giao hay tuyệt giao, đó gọi là lo tính đến cùng cực
(dứt lo nghĩ); chọn binh tốt hay xấu, đó gọi là làm người thêm mạnh; bỏ hay
dùng, cho ăn hay bắt nhịn, đó gọi là dò ý người: đó là phép chánh trị của thời
xưa.
86.- NĂM ĐIỀU KIỆN:
Phép dùng binh buộc năm điều kiện: nhân ái, tín thực, trí mưu, dõng cảm,
uy nghiêm, thiếu một điều cũng không thể được.
87.- BA THẾ:
Việc hành binh có ba thế lớn: một là trời, hai là đất, ba là người.
Thế trời là trời trăng trong sáng, năm sao đúng độ, sao chổi không sinh,
thời tiết điều hòa.
Thế đất thuận lợi là thành cao, bờ dốc, nước rộng ngàn dặm, cửa đá, động
hẹp, đường đi khúc khuỷu như ruột dê.
Thế người là chúa thánh, tướng hiền, ba quân giữ lễ, sĩ tốt tuân mệnh, lương
thực và giáp trụ đầy đủ, chắc chắn.
Tướng giỏi thì nhân thời trời, dùng thế đất, dựa vào lợi người, cho nên
hướng vào nơi nào địch cũng không đánh lại được, đó là nhờ hoàn toàn vậy.
88.- NĂM TÀI VÀ MƯỜI LỖI:
Tướng có năm tài và mười lỗi.
- Năm tài ấy là dũng, trí, nhân, tín, trung.
Dũng thì không để cho ai xúc phạm mình.
Trí thì không rối loạn.
Nhân thì thương dân.
Tín thì không lừa dối.
Trung thì không hai lòng.