Bách tuế chi hậu
Trăm năm trọn kiếp thủy chung,
Quy vu kỳ nhất”
Nguyện chôn một huyệt cùng chồng mà thôi.
Bài hát này trích trong Kinh Thi, phần Đường phong do Khổng Tử biên
soạn, được đặt tên là Cát Sinh (cây sắn dây). Bản dịch của Tạ Quang Phát.
Trong chớp mắt, phảng phất như có một lưỡi kiếm sắc đâm sâu vào tận đáy
tim nàng, nước mắt đã cạn khô lúc tang lễ bỗng nhiên rơi xuống lã chã, cứ
như thế, nàng nghẹn ngào khóc rống lên trong khúc hát.
Đó chẳng phải “Cát Sinh” hay sao? Bài ca miêu tả lại tình cảm của nữ tử
thời viễn cổ khi mai táng người mình yêu thương.
Mỗi câu mỗi chữ đều khắc sâu vào trái tim nàng, êm đềm sâu lắng phảng
phất như một bàn tay lặng lẽ mà dịu dàng lướt qua. Nàng ngồi bật hẳn dậy,
vén rèm nhìn ra ngoài.
“Tiết cốc chủ, tỉnh rồi hả?”
Tiếng nhạc lập tức ngưng lại, người ngoài xe thò đầu vào hỏi.
“Là ngài?” Nàng thấy ống sáo ngắn dắt nơi hông y thì không hỏi thêm nữa,
nghiêng mặt hòng che đi vệt nước mắt.
“Đói không?” Diệu Phong vẫn mỉm cười như vậy, đưa cho nàng một bọc
vải – bên trong là bánh quýt hồng đã chuẩn bị từ trước. Thời tiết giá lạnh
vừa gió vừa tuyết như vậy, nhưng bánh bên trong vẫn nóng hôi hổi.
“Đông cứng cả rồi, tại hạ làm nóng lên một chút.” Diệu Phong khẽ cười, lại
đưa qua một túi rượu: “Đây là rượu thuốc bọn Lục Nhi chuẩn bị, nói cốc
chủ phải dựa vào thứ này để khử hàn… cũng nóng rồi đây.”
Tiết Tử Dạ ngẩn người, còn chưa nói gì, Diệu Phong đã buông rèm xuống,
quay người tiếp tục đánh xe.
Ôi, đối mặt với con người luôn đeo mặt nạ cười, không hề có lấy nửa phần
tức giận này, cả cơ hội phát hỏa hay phàn nàn nàng cũng chẳng có – cắn
một miếng bánh mềm, lại uống thêm một ngụm rượu thuốc, Tiết Tử Dạ
thấy cảm giác tức tối nơi lồng ngực cũng giảm bớt đi phần nào.