Các lợi ích tương tự của người chăm sóc trẻ như cha mẹ cũng tồn tại ở các
xã hội công nghiệp. Các nhà hoạt động xã hội ở Mỹ lưu ý rằng trẻ em có lợi
khi sống trong các gia đình đa thế hệ với những người chăm sóc như cha
mẹ. Con cái của các cặp thiếu niên Mỹ có thu nhập thấp và chưa kết hôn có
thể bị bỏ bê bởi mẹ mình nhưng sẽ phát triển nhanh hơn và học hỏi được
nhiều kỹ năng nhận thức hơn nếu có bà hoặc chị chăm sóc, hoặc thậm chí
nếu một sinh viên đại học có đào tạo đến thăm và chơi với bé thường
xuyên. Nhiều người chăm sóc trong một khu định cư (kibbutz) của Israel
hay trong một trung tâm chăm sóc hằng ngày chất lượng cao cũng sẽ có vai
trò tương tự như vậy. Tôi đã từng nghe rất nhiều câu chuyện từ những
người bạn của tôi về những đứa trẻ được nuôi nấng bởi các bậc cha mẹ có
hoàn cảnh khó khăn nhưng sau đó lại trở thành những người trưởng thành
hoàn thiện về mặt nhân cách và xã hội. Các em kể với tôi rằng điều giúp
các em có thể có một cuộc sống lành mạnh là nhờ mối liên hệ thường
xuyên với một người trưởng thành ủng hộ các em hơn là với cha mẹ mình,
cho dù người đó có khi chỉ là một giáo viên dạy piano mà các em học đàn
mỗi tuần một lần.
Phản ứng với việc trẻ khóc
Có sự tranh luận dai dẳng giữa các bác sĩ nhi khoa và các nhà tâm lí nhí về
cách tốt nhất để phản ứng trước việc trẻ khóc. Tất nhiên việc đầu tiên mà
cha mẹ trẻ sẽ làm là kiểm tra xem đứa trẻ có bị thương hay có thật sự cần
giúp đỡ gì không. Tuy nhiên nếu không có điều gì có vẻ bất thường, liệu
việc bế và dỗ một đứa trẻ đang khóc có tốt hơn, hay người ta có nên đặt bé
xuống và để bé tự nín, dù mất bao lâu thời gian? Đứa trẻ sẽ khóc nhiều hơn
khi cha mẹ đặt xuống và bước ra khỏi phòng, hay khi được tiếp tục bế?
Các triết lý về câu hỏi này khác nhau giữa các quốc gia Tây phương và
cũng khác nhau giữa các thế hệ trong cùng một đất nước. Khi tôi sống ở
Đức cách đây khoảng 50 năm, một quan điểm thịnh hành lúc đó là nên để
đứa trẻ khóc và việc chăm sóc khi trẻ khóc "vô cớ" là có hại. Nghiên cứu