Nguyễn Khắc Thuần
Thế Thứ Các Triều Vua Việt Nam
Chương 10
THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN TÂY SƠN
I – SỰ HÌNH THÀNH CHÍNH QUYỀN TÂY SƠN
Năm 1771, từ đất Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo của ba anh em Nguyễn Nhạc,
Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, một cuộc vùng dậy mạnh mẽ chưa từng thấy đã
bùng nổ. sử gọi đó là phong trào Tây Sơn. Xuất phát điểm, Tây Sơn là một
phong trào đấu tranh giai cấp, phản ánh cuộc xung đột dữ dội giữa một bên là
nông dân với một bên là giai cấp phong kiến thống trị của Đàng Trong. Nhưng
càng về sau, quy mô cũng như tính chất của phong trào Tây Sơn càng thay đổi
một cách nhanh chóng và sâu sắc.
- Từ năm 1771 đến năm 1783, Tây Sơn thực sự là đội quân nông dân, hành động
đúng như lời hịch ban ra lúc mới dựng cờ xướng nghĩa, là: “Tưới mưa dầm khi
hạn, kẻo cùng dân sa chốn lầm than”.
- Từ năm 1784 trở đi, khi mà giai cấp phong kiến thống trị ở Đàng Trong đã đi
từ chỗ đối nghịch với phong trào Tây Sơn đến chỗ phản bội quyền lợi của dân
tộc và cam tâm rước giặc Xiêm La về giày xéo đất nước, phong trào Tây Sơn đã
kịp thời chuyển hoá một cách kì diệu, tự phá bỏ ranh giới chật hẹp của cuộc đấu
tranh giai cấp, quả cảm vươn lên đảm nhận sứ mệnh bảo vệ độc lập dân tộc, tấn
công không khoan nhượng vào cả thù trong lẫn giặc ngoài. Trận quyết chiến
chiến lược Rạch Gầm – Xoài Mút (1785), vừa là cống hiến xuất sắc của phong
trào Tây Sơn, vừa là trận phản ánh quá trình thay đổi hoàn toàn về chất của
chính phong trào này.
- Từ năm 1786 trở đi, phong trào Tây Sơn lan rộng ra cả Đàng Ngoài, trở thành
cơn bão lửa quật khởi của nông dân cả nước, hiên ngang tuyên chiến với toàn bộ
cơ đồ thống trị của giai cấp phong kiến đương thời. Lần đầu tiên, Tây Sơn đã
thực hiện được một nhiệm vụ trọng đại, đáp ứng tình cảm thiêng liêng của nhân
dân là xoá bỏ biên giới sông Gianh, nối liền lãnh thổ Đàng Trong với Đàng
Ngoài.
- Năm 1789, một lần nữa, Tây Sơn đã trừng trị đích đáng hành vi cướp nước và
tội phản quốc của tập toàn phong kiến thống trị. Trận Ngọc Hồi – Đống Đa là