đẹp, lúc bạt tả chút xao động trong lòng người thơ. Một cảnh hai tỉnh, nên thơ cùng một bài hai
điệu.
Về âm điệu, thơ Nam Trân thực dồi dào. Thi nhân không theo điệu nào nhất định. Trước mỗi
cảnh, mỗi tình, người lại cố tạo ra một điệu thơ cho thích hợp. Câu thơ luôn luôn biến hóa; số chữ
thay đổi từ một đến mười. Điệu thơ, đó là điều tối quan hệ với Nam Trân; người luôn luôn tìm
kiếm, vì người nghĩ rằng chỉ có lười mới chịu nằm hoài trong một khuôn khổ.
Nhưng điệu thơ cũng như tứ thơ, ở Nam Trân đều là kết quả của sự đắn đo kỹ lưỡng, sự suy tính
siêng năng. Nam Trân luôn luôn tự chủ ngòi bút của mình một cách chắc chắn, không bao giờ
phóng cho nó đi theo những nhạc điệu âm thầm một đôi khi vẫn thao thức trong lòng ta.
Cho nên muốn thưởng thức thơ Nam Trân ta cũng phải luyện lấy tâm trí cho bình thản. Hãy xếp
thơ Nam Trân lại những lúc lòng ta có chuyện xôn xao.
Lối thơ tả chân vốn xưa ta không có. Đây đó rải rác cũng nhặt được đôi câu, nhưng đến Nam
Trân mới biệt thành một lối. Nam Trân đã tìm ra một khoảnh đất mới và ở đó người đã dựng lên - ý
chừng để sát nhập làng thơ Việt - cái cảnh núi Ngự sông Hương.
Thiết tưởng vì tình lảng giềng đất Quảng Nam không thể gửi ra xứ Huế món quà nào quý hơn
nữa: lần thứ nhất những vẻ đẹp xứ này được diễn ra thơ.
Octobre 1941
ĐẸP VÀ THƠ
(Cô gái Kim Luông)
Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng,
Cô gái Kim Luông yểu diệu chèo.
Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết
Rằng Thơ thấy Đẹp phải tìm theo.
Thuyền qua đến bến; cô lui lại,
Vẩy chiếc chèo ngang: giọt nước gieo
Đăm đăm mắt mỏi vì chèo,
Chèo cô quấy nước trong veo giữa dòng
Biết không? Cô hỡi, biết không?
Chèo cô còn quấy, sóng lòng còn xao!
(Huế, Đẹp và Thơ)
HUẾ, NGÀY HÈ
Lửa hạ bừng bừng cháy
Làn ma trốt trốt bay.