ANH THƠ
Chính tên là Vương Kiều Ân - Vương họ cha, Kiều họ mẹ. Sinh tháng janvier 1919 tại Ninh Giang. Học từ năm lên bảy, năm 12 tuổi
mới lên lớp ba (Hải Dương, Thái Bình, Bắc Giang). Bỏ học sau một buổi bị cô giáo phạt quỳ.
Đăng thơ: Hanoi báo (ký Hồng Anh), Tiểu thuyết thứ năm. Ngày nay, Phụ nữ. Được giải thưởng khuyến khích về thơ của Tự lực văn
đoàn năm 1939.
Đã xuất bản: Bức tranh quê (Đời nay, Hà Nội 1941). Xưa (hợp tác với Bàng Bá Lân, 1941).
Một hôm tôi nhận được bức thư đề: M. Hoài Thanh, professeur, L’instituteur Thuận Hóa. Tôi đã
không dám khinh thường người viết thư mà lại còn kính phục thêm nữa. Vì tôi biết người viết thư
là một nữ thi sĩ có danh: Anh Thơ. Đã đành hay thơ Việt không cần phải giỏi tiếng Pháp. Nhưng
trong tình thế nước ta bây giờ một người thiếu niên muốn có một nền học vấn vừa vừa mà không
cần đến tiếng Pháp quả là một điều thiên nan vạn nan. Cứ xem văn của Anh Thơ ai cũng phải bảo
là người có học. Thế mà cái lối viết rõ ràng và chắc chắn ấy, Anh Thơ không từng học được trong
tiếng Pháp. Càng kính phục người, ta càng mừng cho nền quốc văn. Quốc văn ta ngày một thêm
phong phú và hiện nay đã có thể làm lợi khí đào luyện tinh thần cho một người như Anh Thơ.
Tôi vừa nói đền lối viết của tác giả Bức tranh quê, tập thơ này cũng thuộc về lối thơ của người
có học. Vẫn biết làm thơ đạo tình không phải bao giờ cũng là người ít học, nhưng thường người ít
học chỉ có thể làm thơ đạo tình. Phải là người có học mới có thể đưa vào thơ cái cảnh:
Chó lè lưỡi ngồi thừ nhìn cũi đóng,
Lợn trói nằm hồng hộc thở căng dây.
Anh Thơ từ lâu chỉ chuyên lối thơ tả cảnh, mà lại tả những cảnh rất tầm thường, một phiên chợ,
một đứa bé quét sân, một vài mụ đàn bà ngồi bắt chấy. Thơ của người biệt hẳn ra một lối. Có kẻ sẽ
cho Anh Thơ là người vô tình. Nhưng có thiếu nữ nào hai mươi tuổi mà lại vô tình? Anh Thơ bắt
đầu cũng đã làm những bài kể nỗi lòng mình. Hẳn người đã tập luyện nhiều lắm mới có thể đi đến
cái thản nhiên, cái dửng dưng mà độc giả Bức tranh quê ắt phải lấy làm lạ. Nhiều lúc tôi tưởng
người đã đi quá xa. Tranh quê có bức chỉ là bức ảnh; cái thản nhiên hàm súc của nghệ sĩ đã
nhường chỗ cho cái thản nhiên trống rỗng của nhà nghề. Theo gót thi nhân đến đó, ta thấy uất ức
khó thở: người dẫn ta vào một thế giới tù túng rồi không cho ta mơ tưởng đến một trời đất nào
khác nữa.