Không, thơ phải là một tia sáng nối cõi thực và cõi mộng, mặt đất với các vì sao. Thơ không cốt
tả mà cốt gợi, gợi cảnh cũng như gợi tình. Cho nên mỗi lần Anh Thơ chịu đi ra ngoài lối tù túng đó
để nhìn cảnh vật một cách sâu sắc hơn, Lời thơ bỗng trở nên rộng rãi không ngờ và ta thấy khoan
khoái biết bao. Sau câu thơ ta mơ hồ thấy một cái gì: có lẽ là hồn thi nhân. Như khi người tả cảnh
bến đò trưa hè:
Mây đi vắng, trời xanh buồn rộng rãi...
Sông im dòng đọng nắng đứng không trôi.
hay tả cảnh một buổi sáng trong trẻo:
Gió man mát bờ tre rung tiếng sẻ,
Trời hồng hồng đáy nước lắng son mây.
Làn khói xám từ nóc nhà lặng lẽ
Vươn mình lên như tỉnh giấc mơ say.
Cảnh trong thơ cũng bất tất phải mênh mông. Một cái vỏ ốc đủ khiến ta nghe cả tiếng sóng biển
rào rạt. Chỉ có ít bông hoa mướp, một lũ chuồn chuồn mà Anh Thơ gợi nên cả cái không khí thu:
Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác;
Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay,
Thường người cũng không cần đến những cảnh vốn sẵn nên thơ như thế. Với một vài điều nhỏ
nhặt hầu như thô lậu, người hé mở cho ta một cảnh trời.
Chỗ này, giữa đám người ồn ào và đông đúc, vài ông thầy bói lặng lẽ đi,
Bước gậy lần như những bước chiêm bao.
Chỗ kia, đêm ba mươi Tết, chung quanh nồi bánh chưng sồi sùng sục:
Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi đen nhức,
Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm.
Cho hay, vô cùng chỉ có thế giới bên trong. Và hình sắc đẹp là những hình sắc khéo dẫn người ta
vào thế giới ấy.
Août 1941
CHIỀU XUÂN
Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.
Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen xà xuống mổ vu vơ;