Một cánh chim thu lạc cuối ngàn.
Nỗi mong nhớ ở đây đã thành thực, mà còn to lớn lạ lùng. Con người này quả là người của trời
đất, của bốn phương, không thể lấy kích tấc thường mà hòng đo được.
Ưa mùa thu, ghét mùa xuân, trong khi xuân đến, người muốn:
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi muôn cánh rã
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!
Ý muốn ngông cuồng, ngộ nghĩnh? Đã đành. Trong cái ngộ nghĩnh, cái ngông cuồng ấy tôi còn
thấy một sức mạnh phi thường. Chắn một luồng gió, chắn một dòng sông, chắn những đợt sóng
hung hăng ngoài biển cả, nhưng mà “chắn nẻo xuân sang”. Sao người ta lại có thể nghĩ được như
thế.
Ngày xưa Tản Đà chán nản than:
Đêm thu buồn lắm, chị Hằng đi!
Trần giới em nay chán nữa rồi!
Cái chán nản hiền lành của người Việt. Nó khác xa cái chán nản gay gắt, não nùng của Chế Lan
Viên:
Trời hỡi trời! Hôm nay ta chán hết
Những sắc màu hình ảnh của Trần gian.
Có phải một cái chán nản mạnh mẽ và to lớn dị thường! Người ta chán đời người ta cầu một
mảnh vườn hay hơn một chút nữa, một khoảnh núi để sống riêng. Chế Lan Viên trốn đời lại nghĩ
đến một vì sao!
Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh,
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!
Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo
[106]
.
Cái mạnh mẽ, cái to lớn ấy, những đau thương vô lý mà da diết ấy, cái thế giới lạ lùng và rùng
rợn ấy, ai có ngờ ở trong tâm trí một cậu bé mười lăm mười sáu tuổi. Cậu bé ấy đã khiến bao
người ngạc nhiên. Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa thế kỷ hai mươi, nó đứng sững như một
cái tháp Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật. Chúng ta, người đồng bằng, thỉnh thoảng trèo lên đó -
có người trèo đuối sức mà trầm ngâm và xem gạch rụng, nghe tiếng rên rỉ của ma Hời cũng hay,
nhưng triền miên trong đó không nên. Riêng tôi, mỗi lần nấn ná trên ấy quá lâu, đầu tôi choáng
váng: không còn biết mình là người hay là ma. Và tôi sung sướng biết bao lúc thoát giấc mơ dữ
dội, tôi trở xuống, thấy chim vẫn kêu, người ta vẫn hát, cuộc đời vẫn bình dị, trời xa vẫn trong
xanh.
Octobre 1941