lòng mình và tạo vật. Có lẽ Phan Khắc Khoan đã nhờ thế mà cảm được cái phong vị đặc biệt của
cảnh trời biển miền Nam. Cả tập Xa xa đượm một nỗi buồn vô hạn, một nỗi nhớ không nguôi. Tuy
chỉ là nỗi lòng riêng nhưng lời thơ nhân đó có cái buồn bát ngát, cái nhớ nhung khó hiểu của
những nơi trời nước mênh mông. Người đọc thơ tưởng nghe điệu buồn đìu hiu muôn năm vẫn thì
thầm trên bãi biển.
Những bức tranh nho nhỏ, xinh xinh, thu gọn trong bốn câu bảy chữ, đều buồn lầy cái buồn kín
đáo và man mác của thi nhân. Vì nói tình hay nói cảnh, người cũng chỉ nói lòng mình, nói cho một
mình mình nghe. hình ảnh người yêu luôn luôn theo dõi người trong lúc người muốn quên, muốn
xa, đã đưa người về cuộc đời bên trong đầy ý nhị.
Juillet 1941
I
Nón ngả sau lưng trước gió chiều,
Áo hồng nô gió cũng bay theo;
Tay nâng tà áo, tay vin nón,
Khi tóc huyền tuôn những nét yêu.
II
Lá rung như vẫy người xa tới
Viếng cảnh vườn im dưới bóng mây;
Thì ra thu đã về đây với
Én liệng từng không gió lắt lay.
III
Tiếng đâu chiêm chiếp? Trời u ám
Trong bóng nào đâu thấy cánh chim?
Buồn chưa! Trên nước chiều đen xám
Bóng chiếc thuyền con, đứng lặng im.
IV
Nước chiều đã cạn, sông bày cát,
Nhưng chiếc đò ngang vẫn đợi chờ
Người thưa, khách vắng... buồn man mác,
Cô lái buồn trông dãy núi mờ.
V
Ai đứng trong buồn mong mỏi bạn
Trở về với những khúc ca hoan?
- Tổ chim bỏ vắng trên cành nhạn