THI NHÂN VIỆT NAM - Trang 208

thanh sắc huy hoàng Lư không nghe thấy gì đâu. Sống ở thế kỷ hai mươi, ngày ngày nện gót giày
trên các con đường Hà Nội, mà người cứ mơ màng thấy mình gò ngựa ở những chốn xa xăm nào.

Cảnh mộng có khi cũng có màu sắc như chiếc cáng điều lững thững trên sườn núi hay con nai

vàng ngơ ngác trong rừng thu. Nhưng thường ta chỉ thấy những cảnh rất mơ hồ, không có ở thời

nay mà cùng không có ở thời nào. Hãy đọc bài Thơ sầu rụng

[127]

. Bóng người con gái quay tơ

trong đó ẩn sau một màn mây mờ. Ta biết có nàng nhưng ta không thấy nàng và ta vẫn chớ nên tìm
nàng làm chi... Cứ để lòng trôi theo cái âm hưởng đặc biệt của bài thơ, ngân nga, dằng dặc, buồn
buồn, đều đều như tiếng guồng xa... Sau bài thơ bát ngát một trời đất ta không hiểu, thi nhân cũng
không hiểu.

Nhưng dầu sao con người mơ mộng ấy cũng đã rơi xuống giữa cõi trần, người đã sống một cuộc

đời rất thực ở trần gian. Có điều mỗi khi kể lại những chuyện thực trong đời mình, người để xen
vào rất nhiều chuyện mộng. Nhưng dầu chuyện mộng, tình bao giờ cũng thực. Và mối tình chan
chứa trong bài thơ bắt ta phải bồi hồi.

Đặc sắc của Lư chính ở chỗ này. Từ những kỷ niệm tươi sáng về người mẹ đã khuất, cho đến bao

nhiêu buồn thương, bao nhiêu chán nản, bao nhiêu đau khổ vì tình yêu, cả cái cảnh đời giá lạnh
của đôi vợ chồng lúc “tình đã xế bóng”, cũng cái thú ngây ngất của cuộc đời “giang hồ”, Lư đều
kể cho ta nghe một cách rất cảm động.

Một điều rõ ràng: đọc thơ người khác ta có thể tìm thấy nhiều bài âm điệu tinh tế hơn, nhiều

hình ảnh xinh đẹp hơn, nhưng ít có bài cảm động như thơ Lư ấy, chỉ vì Lư thành thực hơn. Hãy
xem: tuy chẳng phải là người của gia đình, Lư đã không ngần ngại mà nói đến vợ đến con, một
điều các thi nhân ta gần đây hình như kiêng lắm.

Tôi bỗng nhớ câu nói của Pascal: “Tưởng kẻ viết là một nhà văn, không ngờ lại được gặp một

người”.

Tôi biết có kẻ trách Lư cẩu thả, lười biếng, không biết chọn chữ, không chịu khó gọt dũa câu

thơ. Nhưng Lư có làm thơ đâu, Lư chỉ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy. Tình đã gửi trong lời
thơ, Lư không còn đoái hoài đến nữa, Lư vứt chỗ này một bài, chỗ khác một bài, với cái phóng
khoáng của kẻ khinh hết thảy những cái gọi rằng quý ở đời này. Sánh với những người yêu thơ Lư,
Lư là người thuộc thơ mình ít nhất. Âu cũng là một điều bất lợi. Một điều bất lợi nữa là trong khi
thơ Việt Nam đương đi tìm một nghệ thuật mới lạ, những tình cảm khuất khúc, những hình sắc
phiền phức của thiên nhiên, thì Lư chỉ có một ít khúc đàn bình dị, một ít khúc đàn xưa, dầu có đổi
xoang đổi điệu cũng vẫn là những khúc đàn xưa.

Nhưng ngoài cái sở thích nhất thời còn những sở thích đời đời không thay đổi.

Bao giờ còn có những cặp vợ chồng nhớ tiếc buổi tân hôn thì những câu như:

Còn đâu ánh trăng vàng

Mơ trên làn tóc rối?

…………………….

Đêm ấy xuân vừa sang

Em vừa hai mươi tuổi.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.