LAN SƠN
Chính tên là Nguyễn Đức Phòng. Sinh ngày 11 avril 1912 ở Hải Phòng. Chánh quán: phủ Anh Sơn (Nghẹ An). Học trường Hải
Phòng, trường Tourane, trường Bảo hộ Hà Nội. Hiện làm việc ở sở Công chính Hải Phòng.
Đã viết giúp: Hải Phòng tuần báo, Phong hóa, Ngày nay, Tinh hoa.
Đã xuất bản: Anh với em (1934)
Một buổi sáng kia, tình yêu đã đến với Lan Sơn và người học trò ấy bỗng thành thi sĩ.
Tình yêu không đưa Lan Sơn vào một trời đất nào xa lạ; Lan Sơn chưa từng đi sâu vào những
chỗ u uẩn trong lòng người. Người chỉ nói những điều rất tầm thường, những điều ai cũng biết,
nhưng giọng nói của người thiết tha, chân thực dễ cảm lòng ta.
Xem như khi người mong thư:
…
Thư bạn thôi không có buổi nay!
Người phát thư vừa qua khỏi cửa,
Lòng anh như dại lại như ngây.
cùng khi người tìm bạn:
Em ơi, nói mãi chỉ thêm sầu,
Mỏi mắt hương trời chốc bấy lâu,
Phố xá xôn xao, người nhộn nhịp,
Tìm em anh có thấy em đâu.
Kể Lan Sơn còn vụng về nhiều. Lắm, lúc người ngập ngừng, bỡ ngỡ. Nhưng cái bỡ ngỡ ấy không
phải không có chút duyên dáng. Ấy là cái duyên của người thiếu nữ khi thỏ thẻ những lời ngây ngô
mà thành thực:
Em thường nói: “Ai hơn anh được!
Em trông anh thật khác người ta,
Biển tình cho nổi phong ba
Người là người lạ, anh là anh em”.
Tiếc thay tình yêu ngày một lạt. Lan Sơn hình như chỉ còn giữ lại một cái bóng để làm thơ.
Nhưng tình hết, thơ Lan Sơn cũng hết. Chỉ những lúc hồi tưởng lại thời thơ ấu, trong lòng người
mới có chút trong trẻo có thể diễn ra thơ. Con người dễ thương ngày trước, con người mà Ô.
Nguyễn Tiến Lãng gọi bằng em trong một bài tựa
[58]
, con người ấy trở nên tối tăm, rắc rối, cầu
kỳ, con người ấy tôi không muốn biết nữa...
Septembre 1941
VẾT THƯƠNG LÒNG