Cô gái nào cũng có giấc mơ công chúa, nhưng không phải cô gái nào cũng
có thể làm công chúa.
Tống Nghiên Nhi còn có một cô bạn thân Mạc Doãn Nhi khác (khi ấy, cô ả
vẫn còn mang tên Nghê Gia, vẫn còn là cháu gái cả của nhà họ Nghê danh
gia vọng tộc). Từ ngày đầu tiên biết Mạc Doãn Nhi, Nghê Gia đã không ưa
được tính nết của cô ả. Hai người vừa nhìn nhau đã thấy gai mắt, tranh
giành cấu xé đủ kiểu.
Mãi cho đến một ngày, chuyện con thật con giả cẩu huyết đã rơi vào người
Nghê Gia và Mạc Doãn Nhi. Nghĩ tới Mạc Doãn Nhi tu hú chiếm chỗ chim
khách, hưởng thụ đãi ngộ con cháu nhà học Nghê mười tám năm qua, sự
chán ghét của Nghê Gia đối với cô ả đã thăng cấp thành thù hận. Khốn nỗi
Mạc Doãn Nhi trời sinh tốt số. Sau khi bị đánh hiện nguyên hình, ả vẫn là
cô gái hoàn hảo trong lòng bà mẹ Trương Lan nhà họ Nghê. Thậm chí, em
trai sinh đôi Nghê Lạc biết cô ả không phải chị ruột còn yêu ả say đắm nữa.
Mạc Doãn Nhi vừa mất đi cái danh tiểu thư nhà họ Nghê thì đã lại trở thành
cô hai nhà họ Tống nhờ cuộc hôn nhân giữa Mạc Mặc và cha của Tống
Nghiên Nhi. May mắn hơn nữa chính là cuộc sống quý tộc mười tám năm
đã khiến ả trở thành một thục nữ từ trong ra ngoài, khiến Ninh Cẩm Niên -
cậu chủ nhà họ Ninh trúng tiếng sét ái tình, nguyện yêu thương cô ả trọn
kiếp. Ả cao sang quyền quý, khí chất thanh nhã, tuy không được các chị em
quý mến song lại nhận vô số yêu chiều từ cánh đàn ông. Chỉ cần là người
cô ả vừa ý, anh chàng đó chắc cũng quỳ mọp dưới gấu váy hồng1 mất.
(1) Nguyên văn là "quỳ dưới váy thạch lựu", là loại váy các cô gái trẻ thời
Đường rất chuộng. Câu này bắt nguồn từ tích Đường Minh Hoàng lệnh cho
bá quan văn võ, phàm gặp Dương quý phi đều phải quỳ xuống hành lễ,
không quỳ sẽ mang tội khi quân. Sau này tích này để chỉ sự tôn thờ phụ nữ.
Còn Nghê Gia quay về với địa vị của mình thì đúng là trời sinh mang kiếp
bia đỡ đạn. Cô lăn lộn dưới đáy xã hội mười tám năm, thói quen không nho
nhã đã ăn sâu vào máu, giờ rất khó hòa nhập với vị trí xã hội thượng lưu
của Nghê gia.