Hữu để nó trong tủ như một đồ vật trang trí. Cha bảo, có đêm chính mắt
ông đã nhìn thấy viên đá đó phát sáng.
Cha là cán bộ văn hóa. Sau này không biết bất mãn gì với lãnh đạo mà
ông bỏ việc. Rồi cha mẹ ly hôn.
Lúc đó Hữu đang học đại học. Để đoạn tuyệt cha vào Nam. Sau này
ông qua Cămpuchia và lấy một cô
gái người Khơ-me. Nghe đâu hai người có một đứa
con gái.
Một người trong giới buôn đồ cổ bảo có biết ông. Giờ ông cũng là chủ
một đường dây buôn đồ cổ sang Thái Lan, Miến Điện. Hữu biết cũng như
ông nội cha sẽ không đời nào từ bỏ đồ cổ. Sự hấp dẫn của những món đồ cổ
đã ngấm sâu vào máu thịt hai người.
Cha đi để lại căn nhà trong cái ngõ sâu của thị xã tồi tàn này cho Hữu.
Học xong Hữu biến nó thành xưởng vẽ. Đám bạn lui tới với Hữu là dân vẽ.
Vài người là mối làm ăn. Trong đó có một số là người nước ngoài. Hữu
nghiệm ra một điều, dân làm nghệ thuật và dân lang thang cùng giống nhau
ở cái điểm dặt dẹo. Cùng khu phố có một ông làm thầy cúng danh tiếng
nhưng nghiện thuốc phiện nặng. Anh em chơi với nhau và thường cùng
nhau thù tạc. Mình ông sở hữu căn nhà vật vã ở khu phố cổ, vợ đẹp con
khôn. Mấy năm sau căn nhà biến thành thuốc phiện. Giờ muốn tìm ông
phải ra bãi sông. Ông sống ở đó trên một chiếc thuyền chài rách. Có bận
uống rượu ông bảo:
- Mình như khúc gỗ mục từ trong mục ra. Thế mà lại đi hóa giải vận
hạn cho bao người. Đã bao lần tuyên bố giải nghệ, bảo còn có chó gì mà tin
nữa. Đời thầy còn phải chui vào trong cái thuyền rách, cứ nhìn thì biết. Thế
nhưng thiên hạ vẫn cứ đến tìm. Đời lạ vậy.