Điều tồi tệ nhất mà cuốn sách này đề cập đến không chỉ là đường cong
hình chuông và các nhà thống kê tự lừa dối chính mình, hay các học giả
chịu ảnh hưởng của Plato - những người cần đến các học thuyết để tự lừa
dối mình, mà đó chính là động lực để “tập trung” vào những gì có ý nghĩa
đối với chúng ta. Ngày nay, việc sống trên hành tinh này đòi hỏi nhiều khả
năng tưởng tượng hơn những gì hiện có. Chúng ta đang thiếu khả năng
tưởng tượng nhưng lại kìm nén khả năng của người khác.
Xin lưu ý rằng tôi không thực hiện cuốn sách này theo phương pháp thu
thập “bằng chứng xác thực” cẩn thận vốn rất phiền toái. Tôi sẽ giải thích
nguyên nhân đó trong Chương 5, và gọi sự quá tải của các ví dụ này là chủ
nghĩa kinh nghiệm ngây thơ (naive empiricism) - hàng chuỗi giai thoại
được chọn lựa để khớp với một câu chuyện sẽ không cấu thành bằng
chứng. Bất kỳ ai đang tìm kiếm sự xác thực sẽ tìm thấy nó với mức độ đủ
để lừa dối chính mình - và chắc chắn là cả những đồng nghiệp của mình.
Ý tưởng về Thiên Nga Đen được dựa theo cấu trúc của tính ngẫu nhiên qua
trải nghiệm thực tế.
Nói tóm lại, trong bài tiểu luận (cá nhân) này, tôi dám thách thức các thói
quen tư duy của chúng ta, và khẳng định rằng thế giới này đang bị thống trị
bởi những gì cực độ, bí ẩn, ít có khả năng xảy ra (dựa theo vốn hiểu biết
hiện tại của chúng ta) trong khi, chúng ta dành thời gian nói chuyện phiếm,
tập trung vào những gì đã biết và cứ lặp đi lặp lại. Điều này nói lên sự cần
thiết phải sử dụng một sự kiện cực độ làm điểm khởi đầu và không xem nó
như một ngoại lệ mà ta có thể dễ dàng bỏ qua. Tôi cũng xin đưa ra một
nhận định táo bạo (và dễ mếch lòng) hơn rằng, bất chấp tiến trình với phát
triển về kiến thức của chúng ta, hoặc có lẽ bởi tiến trình và sự phát triển về
kiến thức đó, tương lai ngày càng trở nên khó dự đoán hơn trong khi cả bản
chất con người lẫn “khoa học” xã hội dường như đang hợp sức không cho
chúng ta biết về điều đó.
Bản đồ các chương