THIỀN SƯ KHƯƠNG TĂNG HỘI - Trang 11

Khởi nguyên của Đạo Bụt Việt
Nam

Đạo Bụt Đi Vào Việt Nam

Hồi đó ở miền bờ biển Nam Ấn Độ, có hai trung tâm nổi tiếng của đạo Bụt
đại thừa. Một trung tâm gọi là Amaravati. Một trung tâm gọi là
Nagarjunakonda. Từ những trung tâm đạo Bụt đại thừa ở miền duyên hải
Ấn Độ, đạo Bụt được truyền sang Việt Nam bằng đường biển. Việc này đã
xảy ra từ thế kỷ thứ I trước Thiên Chúa giáng sinh. Trong thế kỷ đi theo,
tức là thế kỷ thứ I sau Thiên Chúa giáng sinh, đạo Bụt đã tiếp tục đi vào
Việt Nam. Đạo Bụt đã đi vào Việt Nam bằng đường hàng hải do các nhà
buôn đem tới. Hồi đó đế quốc La Mã rất cần những hàng hóa, những hương
liệu như quế, tiêu, lụa... Các thương gia Ấn Độ đã không có đủ những thứ
ấy để cung cấp cho đế quốc La Mã. Vì vậy cứ đợi mùa có gió đông nam thì
họ thả thuyền đi về hướng Việt Nam. Mỗi khi đi tới rồi thì họ ở lại để buôn
bán. Và phải đợi cho đến năm sau, khi có gió mùa thì họ mới xuống thuyền
về nước. Trong thời gian cư trú ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, cố
nhiên là họ phải thực tập tôn giáo của họ. Do chính nguyên cớ đó mà người
Việt thời đó mới biết đến đạo Bụt. Thường thường khi đi buôn, các thương
gia Ấn Độ đem theo những cái tháp Bụt tượng trưng cho xá lợi của Bụt. Họ
đốt nhang, đốt trầm, đọc kinh, tụng tam quy và ngũ giới. Vì vậy cho nên
qua thời gian họ lưu lại Việt Nam, người Việt đã biết tới đạo Bụt. Và cùng
với đạo Bụt các thương gia Ấn cũng đem theo những cái khác nữa. Ví dụ
như niên lịch, cách thức canh tác, thuốc men, phương pháp trị liệu, và cách
quan sát tinh tú của Ấn Độ. Vì vậy về thiên văn, y khoa, niên lịch, cũng
như phương pháp canh tác, người Việt chúng ta đã học được của Ấn Độ rất
nhiều.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.