THIỀN SƯ KHƯƠNG TĂNG HỘI - Trang 9

Tôn Hạo mới gửi xe song mã tới chùa mời thầy Tăng Hội vào cung. Sau
khi được đối đáp với thầy và nghe thầy thuyết pháp, vua cũng phải tuân
phục, không làm gì được thầy. Thời gian dằng co kéo dài. Cuối cùng, thấm
được những lời thuyết pháp của thầy Tăng Hội, vua xin quy y và thọ năm
giới với thầy. Vua lại cho trùng tu mở rộng chùa Kiến Sơ và cho phép tái
thiết các chùa đã bị phá hoại. Chùa Kiến Sơ tiếp tục đóng vai trò trung tâm
hoằng dương Phật pháp qua các triều đại Tây Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần
và Tùy, và tên chùa đã từng được đổi là Trường Khánh Tự, Phụng Hiến Tự,
Thiên Hỷ Tự, Đại Báo Ân Tự, v.v... Cho mãi đến đời Minh chùa cũng vẫn
còn là trung tâm hoằng pháp quan trọng nhất của miền Giang Nam. Vào
năm đầu của nhà Đông Tấn, thiền sư Tăng Hựu, lúc ấy còn nhỏ tuổi, đã
xuất gia ở chùa này.

Thầy Tăng Hựu (445 - 518) là người đầu tiên viết về lịch sử và hành trạng
của tổ sư Tăng Hội. Tài liệu này đã được giữ lại trong các tác phẩm Xuất
Tam Tạng Ký Tập (T. 2145) và Cao Tăng Truyện của thiền sư Huệ Hạo
(496 - 553). Sau khi được đào tạo thành tài, thầy Tăng Hựu tiếp tục ở lại
Kiến Sơ để dạy đồ chúng, hoằng pháp và sáng tác. Thầy cũng là con cháu
của thầy Tăng Hội. Thầy Minh Triệt đời Tề, năm 492 cũng đã đến đây học,
tiếp nhận luật Thập Tụng từ thầy Tăng Hội, và tiếp tục sự nghiệp hoằng
pháp tại đây. Các thiền sư đã thành lập Pháp Nhãn Tông như Khuông Dật,
Huyền Tắc và Pháp An cũng đã tu học và hoằng pháp tại đây. Vua Thành
Tổ đời Minh cũng đã xây một ngọn tháp bát giác chín tầng trong khung
viên chùa, một ngọn tháp nguy nga và rực rỡ. Tiếc thay trong loạn Thái
Bình Thiên Quốc, binh lửa đã hủy hoại tất cả, hiện nay chỉ còn di tích.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.