Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), Tăng cang Mật Hoằng lại lo trùng tu lại
chùa Thập Tháp Di-đà ở Bình Định, là Tổ đình của phái thiền Lâm Tế Đàng trong, do Tổ
sư Nguyên Thiều thành lập khi Tổ từ Trung Hoa mới sang Đàng trong. Tăng cang còn
cúng cho chùa này một tấm hoành có viết tên “Thập Tháp Di-đà Tự”, hiện vẫn còn.
Ngày mùng 1 tháng 10 năm Ất Mùi (năm 1835), Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng viên
tịch tại chùa Quốc Ân (Huế) thọ một trăm lẻ một tuổi, đồ chúng lập tháp thờ ở bên hông
chùa. Bia tháp có ghi: “Sắc tứ Thiên Mụ tự, Trụ trì Mật Hoằng Đại lão Hòa thượng chi
tháp.”
Long vị ở chùa Quốc Ân ghi: Sắc tứ Thiên Mụ Trụ trì, trùng kiến Quốc Ân, Lâm
Tế chánh tông, tam thập lục thế, húy Tổ Ấn, thượng Mật hạ Hoằng, Lão hòa thượng.
Chùa Long Hưng hay chùa Tổ (Tổ Đỉa) ở tỉnh Sông Bé cũng có thờ long vị của
Hòa thượng Mật Hoằng.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên phủ, viết về Thiền sư Mật Hoằng
như sau:
“Nguyễn Mật Hoằng
Người huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, mười lăm tuổi xuất gia, lưu ngụ Gia Định
đầu thiền ở chùa Đại Giác, tu trì giới hạnh. Đời vua Duệ Tông hoàng đế, năm thứ bảy
(Quí Tỵ 1773) Hoằng mới cắt tóc làm thầy. Năm Gia Long thứ mười ba, Vua triệu Hoằng
về kinh cấp cho chức Tăng cang trụ trì chùa Thiên Mụ, quán thống Tăng chúng. Mùa
đông năm Minh Mạng thứ mười sáu (1835) Hoằng tịch, thọ một trăm lẻ một tuổi.
Hòa thượng Mật Hoằng có đệ tử nổi danh là Thiền sư Tiên Huệ Tịnh Nhãn, sau
cũng được vua nhà Nguyễn cử làm Tăng cang, trụ trì chùa Thiên Mụ.
Thiền sư Tánh Thiên Nhất Định, một danh tăng ở kinh đô Huế thời nhà Nguyễn,
sau được vua Minh Mạng phong chức Tăng cang chùa Giác Hoàng (năm 1839), Tổ khai
sơn chùa Từ Hiếu (Huế), cũng đã cầu pháp với Hòa thượng Mật Hoằng (thế độ với Hòa
thượng Đạo Minh Phổ Tịnh chùa Báo Quốc).