sống, đêm đến các ông Đạo mới lễ sám và giảng đạo, thỉnh thoảng các ông Đạo cũng thọ
lãnh tiền của bá tánh cúng dường. Các ông Đạo còn thỉnh thoảng trị bệnh cho bá tánh
bằng nước lạnh hoặc phù chú.
Hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân ngụ tại chùa Tây An một thời gian, đạo hạnh
và trí tuệ thông đạt Phật pháp của Hòa thượng cảm hóa được các ông Đạo ở chùa, họ giao
cho Hòa thượng chuyên lo phần tụng kinh, giảng đạo, các ông Đạo chỉ chuyên lo trị bệnh
cứu dân độ thế. Các ông Đạo cũng giao việc thu xuất tiền của, lễ vật của bá tánh cúng
dường và quản lý việc chùa. Sau một thời gian, Hòa thượng Hoằng Ân đề nghị với các
ông Đạo nên dùng tiền của chùa để thay chùa tranh bằng chùa cây, lợp ngói cho chùa
được trang nghiêm tráng lệ và vững chắc.
Hòa thượng Hoằng Ân hoằng hóa ở núi Sam một thời gian lâu nên về sau, trong
giới Phật giáo ở miền Nam gọi Hòa thượng là “Tổ Núi Sam”.
Trong thời gian vân du hoằng hóa, Hòa thượng Hoằng Ân sống với tư tưởng siêu
thoát của đạo Phật, đúng với câu thơ:
Túy thưởng yên hà thân ngoại cảnh,
Lộng thành sanh diệt vọng trung chân.
(Bạn với khói mây, thân ngoài cảnh,
Đùa cùng sanh diệt, vọng trong chân.)
Hoằng hóa ở chùa với “tâm đạo”, không còn nghĩ đến không gian, thời gian, đúng
với câu đối ở chùa:
Tự cổ thanh nhàn, thường dẫn yên hà vi bạn lữ,
Sơn thâm thế cách, chỉ bằng thảo mộc ký xuân thu.
(Chùa cổ sư nhàn, thường tiếp khói mây làm bạn thiết,
Núi cao khách vắng, chỉ nương cây cỏ biết xuân thu.)
Vào khoảng năm Canh Tuất (1910), Hòa thượng Hoằng Ân trở về thăm chùa Giác
Lâm và Giác Viên (xem như là lần cuối cùng trước khi viên tịch). Thiền sư Như Lợi xin
Hòa thượng cho từ chức Trụ trì chùa Giác Lâm vì tự cảm thấy không đủ sức đảm trách
nhiệm vụ này. Sau một tháng theo dõi điều tra và xem xét, Hòa thượng chấp thuận lời xin
đó và cử ông Thủ khố chùa Giác Viên, là một đệ tử của Thiền sư Như Phòng, pháp danh
Hồng Hưng Thạnh Đạo lên thay thế trụ trì chùa Giác Lâm. Lúc đó Thiền sư Thạnh Đạo
mới hai mươi bốn tuổi.
Sau một thời gian tạm nghỉ ở am Giác Đế và hai chùa Giác Lâm và Giác Viên,
Hòa thượng Hoằng Ân nhận thấy Pháp tôn Hồng Hưng Thạnh Đạo tuy còn nhỏ tuổi (tuổi
đời) và ít tuổi hạ (tuổi đạo) nhưng có tài đức có khả năng đảm trách được việc trụ trì ở
ngôi chùa lớn và xưa là chùa Giác Lâm, Hòa thượng mới yên tâm, tiếp tục cất bước vân
du hoằng dương Phật pháp ở các tỉnh miền tây Nam Kỳ (một số đông tăng sĩ ở các chùa
miền Tây là đệ tử và pháp tôn của Hòa thượng).
Hòa thượng nghĩ rằng:
“Kiếp người thành trụ hoại rồi không,
Đeo đẳng sao cho vượt khỏi vòng,
Chay lạt tịnh thiền vui giải thoát,