“Từ nay trở đi, tôi không còn là cô chủ của anh nữa và anh cũng không
còn là kẻ chăn ngựa của tôi nữa. Tên anh là gì?”
“Tôi không có tên. Tôi là ‘Kẻ chăn ngựa’ bình thường, giống như cha
tôi vậy.”
“Vậy thì tôi sẽ trao cho anh một cái tên. Tôi có thể làm thế không?”
“Cảm ơn, Cô chủ.”
“Và anh phải gọi tôi là Zhuoma, hoặc tôi sẽ không để anh làm người dẫn
đường cho tôi.”
“Vâng… không,” anh ta lí nhí ra chiều bối rối.
Zhuoma mỉm cười khi cô kể cho Văn nghe chuyện cô đã đặt cái tên
Thiên An Môn cho chàng chăn ngựa bởi vì cái quảng trường vĩ đại ở Bắc
Kinh gây ấn tượng rất mạnh với cô như thế nào. Nhưng nét mặt cô sớm
quay trở về vẻ buồn bã khi cô miêu tả những chuyện tiếp theo.
Khi cô và Thiên An Môn chuẩn bị phóng ngựa đi khỏi ngôi nhà, Thiên
An Môn đột nhiên chỉ lên bầu trời mà hét lên.
“Cô chủ, có lửa! Lửa lớn lắm!”
Zhuoma quay lại nhìn ngôi nhà bốc cháy và lão quản gia đứng ở sân
đang hét lên những lời cầu nguyện trong khi ông ta bốc cháy. Nước mắt
chảy xuống mặt cô. Người đầu tớ trung thành của gia đình cô đang tự thiêu
trong ngôi nhà mà ông đã hy sinh cả cuộc đời cho nó.
Văn nín thở khi hình dung đánh mất gia đình của chính mình bằng cách
đó thì người ta cảm thấy thế nào. Khi Zhuoma tiếp tục câu chuyện, cô khó
ngăn nổi dòng nước mắt.
Zhuoma và Thiên An Môn đi theo hướng Đông, về phía Trung Quốc.
Thiên An Môn là một người dẫn đường cừ khôi, họ không đi vào những
tuyến đường thông thường để tránh cuộc xung đột giữa người Trung Quốc
và Tây Tạng. Họ có nhiều thức ăn-thịt sấy khô, lúa mạch, ít bơ và pho mát.
Những con sông cho họ nước, gỗ cho lửa. Mặc dù họ phải qua vài con đèo
trên núi cao, Thiên An Môn luôn biết họ có thể tìm kiếm chỗ ẩn náu ở đâu.
Trong suốt chuyến hành trình dài, Thiên An Môn hết lòng hết dạ chăm
sóc Zhuoma: tìm nước, chuẩn bị thức ăn, lượm củi, trải nệm ngủ, canh gác
về đêm. Anh ta không bỏ sót việc gì. Trước đây Zhuoma chưa bao giờ sống