xe lên tiếng đầu tiên. Mặc dù có vẻ đang phải tập trung vào con đường khó
khăn, nhưng anh ta đã nghe trọn mọi lời.
“Cô có nghĩ là Thiên An Môn vẫn còn sống không?” anh ta hỏi.
“Tôi không biết,” Zhuoma trả lời.” Nhưng nếu anh ấy còn sống, tôi sẽ
lấy anh ấy.”
Tối hôm đó, mọi người sợ không dám ngủ. Xung quanh những đống lửa
trại, những người lính kiệt sức ngồi xây lưng lại nhau, một nhóm quay mặt
về phía lửa, nhóm kia canh chừng bóng tối. Cứ mỗi giờ họ lại đổi vị trí cho
nhau.
Khi họ ngồi đó, Văn nhớ ra điều gì. Cô quay sang Zhuoma.
“Khi chúng tôi bị tấn công vào sáng nay, cô đã hét lên câu gì đó bằng
tiếng Tây Tạng. Nó có nghĩa là gì vậy? Làm thế nào mà cô biết người Tây
Tạng đã tới?”
“Tôi nghe thấy họ thì thầm những câu nghi lễ mà người Tây Tạng
thường thốt ra như một tín hiệu khi giết người. Tôi muốn họ đừng làm thế,
rằng có một người Tây Tạng trong nhóm…”
Văn đang định hỏi thêm thì Zhuoma lại hét lên, tiếng thét chói lói, tuyệt
vọng khiến cho tất cả mọi người dựng tóc gáy.
Khi tiếng hét yếu dần rồi tắt hẳn, những người ở vòng ngoài có thể nhìn
thấy những bóng đen di chuyển về phía họ.
Bản năng mách bảo với Văn rằng chớ ai nên cử động, chỉ cần bất kỳ ai
động đậy thì sẽ chết. Trong vài giây, vô số người Tây Tạng trang bị dao và
súng ống đã vây quanh họ. Văn nghĩ cái chết đã đến. Sau đó, một bài hát u
buồn bồng bềnh nổi lên bay vào không trung. Bài hát có giai điệu Tây Tạng
nhưng lời là tiếng Trung Quốc:
“Núi tuyết ơi, tại sao người không khóc? Trái tim người quá lạnh lùng
sao?
“Núi tuyết ơi, tại sao người khóc? Trái tim người quá đớn đau sao?”
Mọi người nhìn Zhuoma khi cô vừa tiếp tục hát vừa từ từ đứng lên đi về
phía vị thủ lĩnh của nhóm người Tây Tạng. Trước tiên cô thực hiện màn
chào hỏi theo kiểu người Tây Tạng, sau đó cô rút một vật trang trí từ trong
áo dài ra đưa cho ông ta xem. Trông thấy vật trang trí này, vị thủ lĩnh Tây