Điều thiết yếu là phải học cách hành xử với những nỗi đau trỗi dậy trong
lúc thiền tập. Đó là cửa ngõ để đi đến những cấp độ hiểu biết sâu xa hơn, và bản
thân việc chúng ta nhận biết được những cảm giác đau khổ này đã là một dấu
hiệu của sự chú tâm mạnh mẽ.
Đây là cách chúng ta khởi sự khía cạnh đầu tiên của thiền tập: khai mở
những gì đóng kín. Và chính sự khai mở để trải nghiệm này là nền tảng cho khía
cạnh thứ hai của thiền tập: cân đối những phản ứng.
“cân đối những phản ứng”
Những gì mang tính phản ứng nghĩa là gì? Tâm trí chúng ta mang tính
phản ứng: thích và ghét, đánh giá và so sánh, níu kéo và quy kết. Tâm trí chúng
ta như một chiếc cân, và chừng nào chúng ta còn đồng hóa mình với những sự
đánh giá và thiên kiến này, những sự ưa thích và ghét bỏ này, những ham muốn
và chán ghét này, tâm trí chúng ta tiếp tục bị mất cân đối, bị kẹt trong một cơn
lốc xoáy mệt mỏi của sự phản ứng. Chỉ có bằng sức mạnh của sự tỉnh thức,
chúng ta mới có thể đạt đến một chốn cân bằng và tĩnh tại.
Tỉnh thức là phẩm chất của sự chú tâm khi ta nhận biết mà không lựa
chọn, không thiên lệch; đó là một sự nhận biết không có lựa chọn, hệt như mặt
trời chiếu soi vạn vật một cách đồng đều.
Tuy nhiên, để tìm được nhịp điệu ấy, ta cần nỗ lực vượt bậc.
Ban đầu tâm trí bị phân tán, cho nên ta phải nỗ lực để kiềm chế và tập
trung. Nhưng dần dần, trong quá trình thực hành, sẽ đến lúc mọi chuyện đi đến
thành tựu và ta sẽ tìm thấy sự cân bằng.
Mỗi khoảnh khắc tỉnh thức sẽ giúp ta tạo lập trạng thái cân bằng và nhịp
điệu bên trong này.
“khám phá những gì ẩn tàng”
Những gì ẩn giấu chính là bản chất thật sự của trải nghiệm của chúng ta.
Chân lý là những gì ẩn giấu.
Phần lớn chúng ta thường nhầm lẫn các ý nghĩ của chúng ta về sự vật với
chính sự trải nghiệm. Một phần hết sức thiết yếu của thiền tập là đi từ mức độ ý
niệm đến mức độ trải nghiệm trực tiếp.
Thiền khởi sự từ việc khám phá những gì ẩn giấu. Chúng ta đi từ mức độ