Cô Từng Hồng có vẻ không quan tâm, cười nói: “Em đã đứng trên bàn
đánh bóng rồi đó, cô thấy em cười rất tốt, còn sợ đứng trên sân khấu sao?”
Tôi nghĩ thấy cũng đúng là vậy, giờ đây da mặt tôi còn dày hơn hai lớp
tường thành cơ mà, còn có cái gì phải sợ nữa chứ?
Viết xong bản thảo, cô Từng Hồng chỉnh sửa cho tôi, rồi để tôi viết lại,
tôi viết xong, cô lại chỉnh sửa, hai người cứ viết viết sửa sửa như vậy, cho
đến khi sửa lại đến lần thứ năm, mới định ra được bài diễn thuyết. Đồng
thời, cô ấy bắt đầu huấn luyện cách diễn thuyết cho tôi, ban đầu, chỉ vào
đầu giờ ngữ văn, cô để tôi đứng tại chỗ đọc bài khóa, đợi đến khi tôi thích
ứng, cô để tôi đứng trên bục giảng ngâm nga thơ ca, nội dung không giới
hạn, chỉ cần là thơ ca cổ đại.
Chuyện này thật sự rất dễ dàng, được sự dẫn đường đúng đắn của thần
đồng Trần Kính, từ Kinh Thi đến Đường Thi Tống Từ Nguyên Khúc [1],
tôi đều đọc lướt qua rồi. Nhưng tôi cũng không nghĩ tới ngay ngày đầu tiên
đã bị cô Từng Hồng răn dạy, “Em có biết tại sao thơ của Trung Quốc được
gọi là thơ ca không? Ngâm nga thành như vậy thật sự là nhục nhã cho hai
từ ‘Thơ ca’.”
[1] Đường Thi, Tống Từ, Nguyên Khúc: Các thể loại văn học nổi bật
Đường Thi là toàn bộ thơ ca đời Đường được các nhà thơ người Trung
Quốc sáng tác trong khoảng từ thế kỉ 7 – 10 (618 – 907). Các sáng tác của
hàng nghìn nhà thơ đời Đường được bảo tồn trong cuốn Toàn Đường thi
gồm 48.900 bài.
Từ là một thể loại văn học, hình thành vào đời Đường, và phát triển
mạnh vào đời Tống ở Trung Quốc.
Nguyên Khúc: Thể loại thơ Khúc phát triển vào thời Nguyên ở Trung
Quốc.