các doanh nghiệp vẫn không thanh toán tiền. Lại đành quay về làm đại lý
cho Seaprimexco, rồi Giarimex…
Cuộc bươn chải trên thương trường, những phiền toái, nhiêu khê, cửa
quyền của cơ chế… thôi thúc quang nhanh chóng thoát khỏi thân phận một
gã làm thuê để trở thành một ông chủ đích thực. Vậy là ngày 14 tháng 12
năm 1992, doanh nghiệp chế biến thủy sản tư nhân Minh Phú (Minh Phú
Seafood, Pte) ra đời, do Lê Văn Quang (chồng) làm giám đốc, Chu Thị
Bình (vợ) làm phó giám đốc kiêm kế toán trưởng (và tất nhiên kiêm luôn cả
thủ quỹ). Cái tên Minh Phú không có nghĩa gì khác là Minh Hải - giàu có,
một hàm ý có tính khái quát và một tầm nhìn vượt khỏi vị thế một doanh
nhân tư nhân.
Từ năm 1992 đến ngày Minh Hải tách tỉnh, năm 1997, bảy lần giám đốc
Lê Văn Quang làm đơn xin xây dựng nhà máy chế biến thuỷ sản, nhưng cả
bảy lần dều bị khước từ. Lần đầu tiên, Quyền Chủ tịch tỉnh Minh Hải sau
khi xem đơn, gọi Quang lên bảo : “Tiền ở đâu bay xây? Tư nhân mà định
giỡn mặt nhà nước sao được?”. Không nản, năm sau Quang lại đệ đơn xin
xây nhà máy. Lại không được. Năm sau lại xin tiếp. Lại bị từ chối…
Thời kỳ này, Quang đã tìm được những khách hàng Nhật Bản tin cậy. Họ
sang trực tiếp hướng dẫn Quang làm mặt hàng Nobashi (một loại tôm bóc
vỏ đóng khay đông lạnh) hợp với thị trường Nhật. Đầu ra đã có rồi, vấn đề
là Quang phải có nhà máy chế biến và được làm các thủ tục xuất khẩu trực
tiếp.
Có một câu chuyện thú vị mà Quang chỉ kể với những người thực sự
thân thiết. Ấy là vào năm 1996, sau khi đã sáu lần xin xây nhà máy, đã chán
nản đến mức đành phải buông tay, thì anh được tin có một vị lãnh đạo tỉnh
trước khi về hưu, xin được giấy phép xây nhà máy đông lạnh, nhưng không
có tiền. Vị lãnh đạo nọ đồng ý nhượng lại giấy phép cho Quang. Quang hớn
hở lên gặp tỉnh, thì được trả lời: “Ông V. xây thì được, chứ anh thì không.”
(!)
Lại một lần nữa Lê Văn Quang bỏ lên thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 8-
1997 anh tìm đến khu chế xuất Tân Tạo mới hình thành, thuê 5000 mét