Chà, cái ông “chúa đảo” tưởng chỉ biết làm chính trị mà hoá ra cũng là
một nhà khoa học, nhớ vanh vách các loài cây loài cá. Tôi khâm phục bí
thư huyện đảo và bỗng nhớ lại chuyến đi vườn Quốc gia chớp nhoáng vừa
rồi. Cái anh chàng Sơn rất đẹp trai từng là nhân viên vườn Quốc gia Cát
Bà, nay về làm hướng dẫn viên du lịch ở thành phố, đã dẫn chúng tôi lên
tận đỉnh rừng kim giao, một loại cây đặc hữu sống thành tập đoàn trên một
diện tích hàng chục hécta giữa trung tâm vườn Quốc gia Cát Bà. Nghe nói
gỗ kim giao sẽ đổi màu, báo cho vua biết có kẻ mưu sát. Tôi ao ước một
chuyến đi xuyên rừng quá chừng. Nghe nói khách du lịch nước ngoài thú
nhất là tour leo núi này. Phải ba bốn ngày trời mới đi hết được dọc ngang
những con đường mòn từ đông sang tây, từ rừng kim giao đến làng cổ Việt
Hải, từ động Trung Trang đến Gia Luận. Sẽ gian khổ không kém vượt
Trường Sơn, bởi nhiều đoạn dựng đứng, ẩm ướt đầy muỗi vắt, đi hơn trăm
mét dốc đã muốn thở đằng tai.
Liệu có ai may mắn trong số du khách vào vườn Quốc gia Cát Bà đã gặp
loài voọc đầu trắng? Tôi lại nhớ lúc qua phà Đình Vũ sang đảo Cát Hải,
chính tôi đã được một ông già quê gốc ở xã Phù Long kể về loài voọc đầu
trắng quý hiếm này. Đứng trên nóc phà ông khoát tay chỉ về phía núi Cát
Bà và bảo: “Thời chiến tranh chống Mỹ, thỉnh thoảng chúng tôi theo mấy
tay thợ săn qua Cát Bà kiếm vài con thú về cải thiện. Chính tôi đã nhìn thấy
tay thợ săn thiện nghệ hạ sát vài chú voọc đầu trắng... Thịt voọc ngon
không thể nào tả xiết...”
Vâng. Có lẽ vì sự không tả xiết ấy mà loài linh trưởng quý hiếm bậc nhất
thế giới này hình như bây giờ chỉ còn sót lại ở Cát Bà vài chục con cuối
cùng. Tôi ao ước, dăm mười năm sau, khi Cát Bà trở thành đảo thiên
đường, du khách sẽ đi trong rừng nguyên sinh Cát Bà và nhìn ngắm từng
đàn voọc đầu trắng múa lượn trên các cành kim giao.
Sức hấp dẫn, sự mê hoặc của Cát Bà muôn đời vẫn là biển. Một đêm ngủ
trong làng cổ Việt Hải, một ngày leo núi, lang thang trong vườn Quốc gia,
thám hiểm trong lòng động Hoa Cương, động Trung Trang, leo lên đỉnh
Mây Ngàn... nhưng rồi du khách vẫn phải trở về biển để đằm mình dưới làn