chiến trường một cách lạ lùng. Chính cô gái ấy đã biến anh thành đàn ông
trước ngày anh vào mặt trận. Niềm sung sướng và hạnh phúc mà Na ban
tặng cho Giới trong những ngày mà ranh giới giữa cái sống và cái chết chỉ
trong gang tấc ấy đã làm anh hằng đêm hồi tưởng lại. Năm 1976, vừa từ
quân y viện ra, Giới đã về Cam Lộ để tìm lại người đàn bà đầu tiên của đời
anh mà không thấy. Chính vì thế, khi gặp Chi, ngay lập tức giáo Giới đã
choáng váng. Cũng dáng cao to ấy. Cũng cặp vú như hai quả bưởi, phồn
thực và quyến rũ ấy. Đó mới thực là đàn bà, cái thế giới nuôi dưỡng những
cảm hứng thi ca!
Và kỳ lạ, cặp vợ chồng như đôi đũa lệch: anh chồng lẻo khoẻo thư sinh,
nặng không đầy bốn mươi nhăm ký, cô vợ hộ pháp cao hơn chồng một
chỏm tóc, “một đùi ả bằng cả người anh” ấy, nào ngờ lại là cặp vợ chồng
hạnh phúc. Ở đâu cũng thấy cặp kè như đôi sam. Hàng năm giời hàng xóm
láng giềng tịnh không thấy họ to tiếng một lời. Cô vợ mắn như gà, nhưng
anh chồng cũng tốt giống. Họ đẻ liền bốn năm ba đứa, một trai hai gái. Và
thật bất ngờ, giáo Giới trở thành nhà thơ, hội viên Hội Văn nghệ tỉnh với
bút danh Chi Giới, có tập thơ “Gánh phân xanh” ca ngợi phong trào nuôi
bèo dâu, làm phân xanh hợp tác xã những năm cuối thập kỷ bẩy mươi. Tập
thơ lấy lời đề từ nổi tiếng của thi sĩ Bút Tre: “Anh đi gà lợn hát ca. Anh về
đầy nhà phân bắc phân xanh.”
Xét về đủ mọi phương diện, thì đó là một cặp vợ chồng lý tưởng, một gia
đình hạnh phúc.
Vậy mà "tin đâu như tiếng sét ngang..”, đúng như nhà thơ Bút Tre đã
viết, cả làng Động bỗng đồn ầm lên rằng giáo Giới, tức nhà thơ Chi Giới
bỗng dưng trở thành gã vũ phu, ngày nào cũng đánh vợ.
- Làm gì có chuyện ấy - Đĩ Chu gạt phắt những lời đàm tiếu - Tôi còn lạ
gì cô Chi. Nó là em gái tôi, tôi phải biết. Mấy chục năm qua nó không làm
chồng giáo Giới là đại hồng phúc cho nhà tôi.
Nhưng sự thật, nhúng vào nước không chìm, lửa đốt không cháy. Cả làng
Nguyễn ngày nào cũng nghe thấy tiếng đấm đá huỳnh huỵch, kèm theo là
giọng khàn khàn của giáo Giới: “Chết này. Cho mày biết tay ông.”